Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Quan ly quang cao: "Tit mu no lai vong quanh"

Số lượt xem: 194
Gửi lúc 21:05' 16/02/2011

Quản lý quảng cáo: "Tít mù nó lại vòng quanh"

Trăm dâu đổ đầu nhà sản xuất

Để lên tới sóng truyền hình, các quảng cáo cũng phải chạy theo một đường vòng khá rắc rối, với nhiều khâu khác nhau, nhưng khi "có chuyện" thì "trăm dâu" vẫn thường đổ đầu nhà sản xuất, chứ các cơ quan truyền thông vẫn "bình an vô sự".

"Các hợp đồng quảng cáo luôn quy định nhà sản xuất/đơn vị chủ sở hữu thương hiệu sản phẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin sản phẩm quảng cáo," Tổng giám đốc InfoTV Nguyễn Hồng Mai cho biết.

Ông T.C, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất phim quảng cáo, nói rằng, công ty của ông thường nhận hợp đồng từ các đài truyền hình có uy tín hoặc trực tiếp từ nhà sản xuất. Từ thông tin về sản phẩm, công ty sẽ viết kịch bản và tham gia "đấu thầu" cùng với các công ty quảng cáo khác. Nếu "thắng thầu" và nhận được hợp đồng làm phim, khi bắt tay vào sản xuất, trong hợp đồng luôn ghi rõ công ty quảng cáo không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

"Đến diễn viên đóng quảng cáo cũng nói rõ trong hợp đồng là họ không chịu trách nhiệm về lời nói trong quảng cáo," ông C. khẳng định.

Ông C. cũng cho biết, trách nhiệm kiểm duyệt quảng cáo là thuộc về đài truyền hình. Nhà đài phải kiểm tra các giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm trước khi lên sóng.

Tổng Giám đốc TVShopping Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ, các quảng cáo khi lên sóng của kênh này đều phải qua kiểm soát rất chặt chẽ. Mọi chứng nhận, bằng khen, giải thưởng của sản phẩm đều phải được thể hiện qua "người thực, việc thực" trên hình ảnh chứ không chỉ qua lời bình.

Người viết kịch bản phim quảng cáo phải trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm, thậm chí phải có sự trải nghiệm thực tế, tức là dùng thử sản phẩm, dịch vụ để có hiểu biết sâu sắc về nó rồi mới phát sóng quảng cáo.

Theo quy định của pháp luật, những quảng cáo như thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm..., nhà sản xuất phải trình được giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép quảng cáo do các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược... cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm đúng như quảng cáo thì mới được phát sóng. Kể cả khi đã có đầy đủ giấy tờ như vậy, ban biên tập các đài truyền hình còn phải duyệt nội dung để đảm bảo tính thẩm mỹ và thuần phong mỹ tục trong quảng cáo.

Về lý thuyết, quy trình thì chặt chẽ như vậy, nhưng thực thi thực tế lỏng lẻo ở một số đài truyền hình thì "con voi vẫn chui lọt lỗ kim". Vụ quảng cáo vòng tay titan lừa đảo cuối năm 2009 là một minh chứng rõ ràng nhất.

Thông tin từ một lãnh đạo Vụ Trang thiết bị Y tế (thuộc Bộ Y tế) trên báo chí cho biết, công ty STV Shopping, đơn vị nhập khẩu và phân phối vòng tay titan, đã từng mang mặt hàng này đến xin cấp phép quảng cáo. Vì thấy sản phẩm không đủ tác dụng chữa bệnh, Bộ đã không cấp phép.

Tuy nhiên, sau đó bộ vòng tay này vẫn được quảng cáo rầm rộ trên 7 đài truyền hình toàn quốc. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, công ty STV Shopping đã chi nhiều tỉ đồng để ký hợp đồng quảng cáo trên truyền hình, trong đó hợp đồng cao nhất là 2,4 tỉ đồng, thấp nhất là 600 triệu đồng.

Sau khi vụ việc vỡ lở, công ty đã bị truy tố trước pháp luật nhưng các nhà đài vẫn "bình yên vô sự".

Chị Thùy, nhân viên một công ty chứng khoán ở Hà Nội rất bất bình với kiểu "phủi tay" trách nhiệm này của các đài truyền hình.

"Ban đầu tôi cũng bán tin bán nghi về công dụng của vòng tay titan, nhưng thấy TV quảng cáo nhiều quá nên dần tin. Nếu không phải vì quảng cáo trên truyền hình, chắc chắn tôi không bao giờ mua mấy thứ này," chị Thùy khẳng định.

"Lắm thầy, nhiều ma"?

Tháng 11/2010, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ bên thứ ba cung cấp thông tin cho người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh được đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm chứng thông tin theo quy định.

Cùng với đó là Pháp lệnh Quảng cáo, Luật Báo chí và các luật dân sự khác ràng buộc trách nhiệm pháp lý của cơ quan truyền thông đối với việc đăng thông tin quảng cáo sai lệch. Tuy nhiên, sự chồng chéo về quản lý dẫn tới việc khó tách bạch trách nhiệm.

"Quản lý quảng cáo hiện đang chấp chới," ông Hà Văn Tăng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thừa nhận.

Trước kia Bộ Văn hóa - Thông tin quản lý toàn bộ quảng cáo, cả ngoài trời lẫn trên các phương tiện truyền thông. Nhưng từ ngày Bộ Thông tin - Truyền thông được thành lập thì Cục quản lý Báo chí và Xuất bản được chuyển sang bộ này và mang theo cả chức năng quản lý về quảng cáo trên báo chí.

Theo thống kê, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng chiếm tới hơn 80% doanh thu quảng cáo tại Việt Nam. Trên lý thuyết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang giữ chức năng quản lý nhà nước đối với toàn bộ hoạt động quảng cáo nhưng lại không kiểm soát được nội dung quảng cáo trên báo chí. Còn Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý báo chí nhưng lại không có chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo.

"Nhận thức về quảng cáo cũng có sự khác nhau. Luật Thương mại định nghĩa một kiểu, trong Pháp lệnh Quảng cáo quan niệm một kiểu," ông Tăng chia sẻ.

Ông hy vọng Luật Quảng cáo sắp ra đời sẽ xử lý tình trạng "bất nhất" này. Ông Tăng cho biết, ở nhiều nước, chức năng quản lý quảng cáo được giao cho Bộ Công Thương vì nó liên quan tới kinh doanh và lợi ích người tiêu dùng.

Ông Tăng còn đề xuất nên thành lập một cơ quan độc lập để thẩm định chất lượng sản phẩm và dịch vụ trước khi quảng cáo được đăng, phát trên báo. Cơ quan này cũng giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, phát hiện và điều chỉnh các sai phạm. Theo ông Tăng, hội đồng thẩm định này nên bao gồm đại diện các nhà sản xuất, nhà quảng cáo, cơ quan truyền thông và đại diện người tiêu dùng.

"Ở Singapore, hội đồng này là một tổ chức xã hội được Nhà nước cho phép thành lập, hoạt động khá hiệu quả", ông Tăng nói. "Họ giám định những mẫu quảng cáo có đúng quy định hay không. Thậm chí người ta còn kiểm định cả ngôn từ sử dụng trong quảng cáo".


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Quản lý quảng cáo: "Tít mù nó lại vòng quanh"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét