Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Nhung sai lam chien luoc cua doanh nghiep

Số lượt xem: 432
Gửi lúc 15:18' 23/02/2010

Những sai lầm chiến lược của doanh nghiệp

Những sai lầm chiến lược của doanh nghiệp
"Tôi vẫn cảm nhận là Nhà nước chúng ta còn nợ nhân dân còn nhiều lắm, nợ doanh nghiệp nhiều lắm trong việc đưa tất cả cùng nhau nỗ lực phát triển"- bà Phạm Chi Lan.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Trong cách nhìn của rất nhiều người, có cá nhân tôi, và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ đang kêu gọi rằng: Hãy làm cho thương hiệu của VN bay lên, hãy bảo vệ cho chất lượng của hàng hóa do mình làm ra. Nhưng họ cũng phàn nàn, luôn cảm thấy cô độc trên chính xứ sở, trên chính thị trường, trên chính nền kinh tế của mình.

Điều này khác hoàn toàn với TQ. Vì theo quan sát, chính sách của người TQ không hề chung chung, nó cụ thể tới cả những người buôn bán lẻ ở chợ vòm Moscow hay các nước Đông Âu khác, còn chúng ta thì không.

Từ lâu rồi, các doanh nghiệp đang cần lắm những chính sách trợ giúp cho họ xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Câu chuyện này, chúng ta đã nói nhiều lắm rồi, nhưng xem ra vẫn không thay đổi mấy. Trong bối cảnh bị hàng ngoại chất lượng kém áp đảo, tôi cảm thấy lo cho các doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Nhà nước cần phải làm gì, còn những điều gì Nhà nước chưa làm được để giúp doanh nghiệp gây dựng, tạo thương hiệu made in Vietnam?

TS. Nguyễn Minh Phong: TQ là cường quốc về mức độ xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhưng hầu như họ chỉ nhái hàng hóa nước ngoài, còn hàng TQ với nhau họ không làm nhái. Họ sẵn sàng vi phạm tất cả các luật lệ trên thế giới để đảm bảo cạnh tranh.

Còn ở VN chúng ta, hầu như không làm được ở tầm thế giới thì lại đi "nhái" lẫn nhau. Hàng hóa trong nước hễ có thương hiệu một chút là bị làm nhái ngay.

Trong chuyện nâng cao giá trị thương hiệu Việt, đã có rất nhiều giải pháp, rất nhiều hội nghị bàn sâu, nhưng mới chỉ dừng lại ở lời nói, ở những câu khẩu hiệu kêu gọi chứ chưa được thể chế hóa. Có chăng, cũng chỉ làm hình thức.

Ví dụ, một số thành phố có chương trình hỗ trợ thương hiệu, nhưng số tiền ấy chủ yếu được dùng cho bộ phận để xây dựng thương hiệu, chi phí hành chính, chứ không vào DN bao nhiêu, thậm chí là có vào thì cũng theo cơ chế xin cho, rồi bị cấu véo, rồi lại trôi đi, ghi công xong là hết. Mà không có quá trình bảo vệ lợi ích quốc gia được theo đuổi, chỉ là lợi ích phong trào của một nhóm người.

Rõ ràng ở đây có vấn đề về mặt nhận thức, cơ cấu tổ chức thực hiện và những chế tài, ở cả tầm cao và tầm thấp. DN của chúng ta chủ yếu là DN Nhà nước, theo cơ chế cán bộ nên không ổn định và vì người tài, cho nên họ không chú trọng đến xây dựng thương hiệu dài hạn, mà chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt của bản thân trong khi tại nhiệm.

Ở những nước khác, những tổ hợp DN lớn thuộc về tư nhân hoặc những lợi ích dài hạn được theo đuổi. Ở VN, tất cả đều ngắn hạn, theo tư duy nhiệm kỳ từ DN tới Nhà nước, tới các cấp quản lý. Đây là nút thắt rất quan trọng.

Món nợ chính sách

Ảnh: saga
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Ở mọi quốc gia, quan hệ giữa DN và Nhà nước là quan hệ có tính chất sống còn ở. Vậy theo bà Phạm Chi Lan, sự khác biệt trong mỗi quan hệ này ở TQ và VN điều gì là quan trọng nhất?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo TQ đã ý thức được rất cao và từ rất lâu và rất sâu rằng muốn để TQ có thể trở thành cường quốc có vị trí xứng đáng trên bản đồ thế giới thì phải mạnh về kinh tế, mà muốn mạnh về kinh tế, thì phải phát triển mạnh DN.

Vì vậy, toàn bộ việc thiết kế luật pháp, chính sách, công cụ cụ thể cho đến các khâu thi hành đều được thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới, thống nhất một chiều. Kể cả có những khi luật pháp của họ đề ra có vẻ như rất rõ ràng, sẵn sàng trừng phạt DN nhưng đến lúc làm, họ vẫn nhẹ tay, nương tay.

Ngay cả khi Mỹ kiện TQ rất nhiều về băng đĩa giả, họ cũng thu gom và tiêu hủy, nhưng thực tế không động đến DN mà chỉ giơ cao đánh khẽ. Trong những trường hợp nào bất lợi cho DN thì họ tránh, dù đã buộc phải thiết kế luật pháp, và cái gì có lợi cho DN thì họ làm, đúng như anh Phong nói, là kể cả bất chấp luật pháp quốc tế. Đó là cách cư xử của họ.

Chúng ta thì có lẽ trong nghị quyết, trong văn bản thì chúng ta cũng coi trọng doanh nghiệp, Nhà nước cũng coi trọng doanh nghiệp, cũng đưa ra phương châm dân giàu nước mạnh, tất nhiên muốn vậy thì phải phát triển kinh tế. Đảng, Nhà nước cũng gọi doanh nghiệp là đội quân xung kích trong thời bình.

Nhưng thực tình mà nói, tôi đã làm việc với họ gần như suốt cả cuộc đời, và tôi vẫn cảm nhận đội quân xung kích đó lúc nào cũng vậy, không những phải vượt qua những khó khăn khi chiến đấu với địch thủ từ bên ngoài mà họ còn phải đối phó không biết bao nhiêu mà kể với những rào cản mà chính chúng ta dựng lên cho họ. Rào cản đó trên thực tế có lẽ còn nhiều hơn những cái mà chính sách và luật pháp tuyên bố là hỗ trợ cho họ.

Ở đây có lẽ từ nhận thức, ý thức cho đến thiết kế văn bản, đến khâu thực hành, có một khoảng cách quá xa. Và cái khoảng cách thực hiện này rõ ràng không chỉ là vấn đề nhận thức, có thể là do mình nhận thức chưa thật thấu đáo về vai trò của doanh nghiệp, và trong đầu óc của một số người nào đó vẫn còn mang bóng dáng của một Nhà nước theo kiểu xin - cho rất nhiều, ban phát rất nhiều. Mình ra được chính sách này thì như mình ban ơn cho doanh nghiệp, tôi cho anh một chính sách tốt, tôi cho anh một khuôn khổ tốt, mà không hề biết là cái khuôn khổ đó có đi vào cuộc sống được hay không.

Những người chịu trách nhiệm thực hiện những khuôn khổ đó có thực hiện hay không, hay họ lại tạo dựng ra những kẻ hở hoặc lợi dụng những kẽ hở để mà phá hoặc là quấy phá, gây khó cho doanh nghiệp nhiều hơn. Nhà nước mình nhiều khi trở thành rất quan liêu trong những việc như vậy. Thực tình mà nói tôi vẫn cảm nhận là Nhà nước chúng ta nợ nhân dân còn nhiều lắm, nợ doanh nghiệp còn nhiều lắm trong việc đưa tất cả cùng nhau nỗ lực phát triển.

TS Nguyễn Minh Phong: Tôi cũng thấy rằng, cần có sự nhất quán từ trên xuống dưới trong hệ thống chính quyền để đảm bảo hàng của VN không bị nhũng nhiễu, không bị những chi phí trung gian, cản trở hành chính và phi hành chính mặc dù rất hợp lý với những quy định hiện hành nhưng lại rất phi lý và tốn kém cho doanh nghiệp.

Thậm chí chúng tôi rất ủng hộ phương án bàn tay sắt triệt hạ những sự tham nhũng, nhũng nhiễu doanh nghiệp để các doanh nghiệp của VN cảm giác nó được hỗ trợ không chỉ bởi những câu chuyện trực tiếp mà còn được hỗ trợ cả về mặt tinh thần, pháp lý và không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài không để các doanh nghiệp phải bơ vơ một mình chống lại thế giới mafia theo nghĩa nào đó.

"Tôi vẫn cảm nhận là Nhà nước chúng ta nợ nhân dân còn nhiều lắm,
nợ doanh nghiệp còn nhiều lắm!". Ảnh: Chí Cường.

Lỗ hổng chính sách

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa TS. Nguyễn Minh Phong, chúng tôi gọi điều bà Chi Lan vừa nói với một thuật ngữ văn học hơn là "tinh thần đại Hán". Tinh thần này bất biến trong Chính phủ Trung Quốc, trong nhân dân Trung Quốc.

Có một người Úc nói với tôi rằng, khi ở Úc dựng nên một China town, người Úc nghĩ rằng đấy là đất Úc mà người Trung Quốc mượn để dựng nên China town, nhưng sau 10 năm trở lại thì người ta nghĩ rằng đến China town nghĩa là đi thăm đất nước Trung Quốc. Nghĩa là China town đã đồng hoá cả khu vực lớn ở đó ở Úc.

Vậy thì trong chiến lược của Chính phủ Trung Quốc, mà họ trợ giúp kỹ lưỡng nhất, chi tiết nhất, tận tình nhất đối với các doanh nhân của họ, đồng thời có cả sự bao che cho những việc làm không phải của họ. Có phải Chính phủ Trung Quốc đang định đồng hoá thương hiệu của họ trên toàn thế giới hay là một cái gì đó na ná như thế?

Và đây có phải là khát vọng, mà tôi cho rằng thế, là lợi ích của toàn dân tộc và tất cả người Trung Quốc đều nhất tề như một. Trong khi đó, "tinh thần đại Việt" hình như đã bị vỡ, dường như nó chỉ có trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, còn trong thời này thì hình như lợi ích bắt đầu được chia sẻ, bắt đầu ăn rỗng lợi ích cá nhân và nó phá đi toàn bộ "tinh thần đại Việt" của dân tộc chúng ta. Ông có thể lý giải điều này như thế nào?

TS. Nguyễn Minh Phong: Cảm ơn nhà báo Nguyễn Quang Thiều đã đặt một câu hỏi cực hay. Tôi xin phép được mở rộng vấn đề ra một chút trên cơ sở kế tiếp tinh thần mà chị Chi Lan đặt vấn đề.

Người Trung Quốc hơn chúng ta về lịch sử nghìn năm, và họ cũng hơn hẳn chúng ta ở chỗ họ đặt ra một hệ tư tưởng dài hạn, xuyên suốt, bao trùm toàn bộ lịch sử của họ. Và nó trở thành một kim chỉ nam xuyên suốt gần như mọi thời đại.

Điều này nếu nói một cách sâu rộng ra thì những tư tưởng của họ trong quá khứ vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển trong tương lai bởi những thế hệ tương lai. Và mục tiêu lớn nhất của họ là thống trị toàn thế giới bởi thương hiệu đại Hán bao gồm thống trị về văn hoá, xã hội, thống trị về kinh tế và có thể chăng nữa là thống trị về tất cả các vấn đề con người.

Quay trở lại góc độ doanh nghiệp, nếu chúng ta đặt ra một chuỗi các thách thức mà chúng ta phải đối diện trong quá trình hội nhập, đối diện với vấn đề xâm nhập vào thế giới cũng như chống lại sự xâm nhập của thế giới thì cái thứ tư mới là sức cạnh tranh của doanh nghiệp, còn ba cái đầu chúng tôi thử liệt kê xem có đúng hay không để chúng ta cùng trao đổi.

Thứ nhất, những giá trị chuẩn chung. Nếu Trung Quốc có cả một giá trị xuyên suốt các thời đại, thống nhất được toàn bộ dân tộc, tạo ra sự đoàn kết, tạo ra sức mạnh của cộng đồng rất lớn, thì Việt Nam chúng ta dường như mỗi một thời đại, mỗi một giai đoạn lịch sử lại có những giá trị có thể có sự chênh lệch nhau.

Chúng ta đã từng có một thời kỳ thống nhất được toàn đất nước rất mạnh để mà giải phóng đất nước, đó là giá trị của thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước, giá trị của độc lập dân tộc. Thế nhưng hiện nay khi kinh tế thị trường bắt đầu xâm nhập và phát triển mạnh lên thì dường như cái giá trị này đang cần phải điều chỉnh lại.

Một khi có được một giá trị chuẩn chung, sẽ tạo sự đồng thuận, đoàn kết. Đây là số một, có nó chúng ta mới có được giá trị chuẩn chung, mới đo lường được đúng hay sai, phải hay trái và chúng ta phải làm gì?

Thứ hai, chúng ta thiếu một cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia. Ví dụ chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ các doanh nghiệp đang làm ăn ở nước ngoài. Cũng giống như việc chúng ta thiếu cơ chế bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, người tài…

Ở đây tôi muốn nói rằng doanh nghiệp bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, địa phương bảo vệ lợi ích của địa phương, các ngành thì bảo vệ lợi ích các ngành, nhưng có những cái liên vùng, liên ngành với doanh nghiệp như vậy chúng ta chưa có những cơ chế thích hợp.

Thậm chí Chính phủ nhiều khi cũng không phải theo đuổi những lợi ích quốc gia lâu dài mà là lợi ích của nhiệm kỳ đấy, lợi ích của tư tưởng nào đó ở trong một thời hạn ngắn. Điều này thể hiện ở một số các cán bộ rất rõ, đặc biệt là ở những cấp dưới, những lợi ích chính quyền mang tính chất nhiệm kỳ càng rõ.

Thứ ba, là cơ chế cán bộ. Trung Quốc làm được sự thống nhất như vậy là nhờ tổ chức cán bộ rất tốt. Cán bộ từ trên xuống dưới, một là nghiêm, hai là có những chế tài để đảm bảo, ba là chất lượng thống nhất bởi một giá trị chuẩn chung, thì sẽ thực hiện được những cơ chế mà Chính phủ đặt ra.

Cơ chế của chúng ta là cán bộ chất lượng có lẽ vẫn còn rất nhiều vấn đề, chưa kể có một số cán bộ còn phải mất chi phí đầu vào, họ buộc phải hồi vốn, có lợi ích, vì thế sẽ gây ra những nhũng nhiễu ngoài mong muốn của chính họ.

Ba điểm khiếm khuyết này chính là ba lỗ hổng mà chúng ta cần lấp lại. Và nếu ba điểm này làm tốt thì tự nhiên các doanh nghiệp sức cạnh tranh sẽ tăng lên, tự nhiên các hàng hoá rẻ của Trung Quốc sẽ không vào được và tự nhiên hàng Việt Nam sẽ lan ra toàn thế giới.

Đã đến lúc phải báo động và ngồi lại với nhau nghiêm túc để thảo luận về những điểm chúng ta đang vướng mắc, cả về nhận thức, như chị Lan nói, cả về cơ chế để tránh hiện tượng nhận thức một đằng, nói một đàng làm một nẻo, suy nghĩ một nẻo, cơ chế một đằng làm một nẻo, tất cả trở nên hình thức, một xã hội không dựa trên sự thật và làm thật, mà dựa trên những gì ảo, thì đó là điều mà chúng ta đang bị mất mát, mà nếu không làm được sẽ còn bị trói chân nữa.

Chặng đường còn rất dài

Ảnh: cauduong.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Đúng là lâu nay chúng ta thường đổ lỗi nhiều cho các doanh nghiệp rằng họ là người quyết định đến việc đưa thương hiệu Việt Nam đi lên. Cách suy nghĩ đó, tư duy đó là của rất nhiều người quản lý chứ không phải của các doanh nghiệp hay những người đứng bên ngoài. Và quan điểm của tôi, trong cách nhìn của một người không phải nhà kinh tế, càng không phải nhà kinh tế học thì thấy rằng điều đó hoàn toàn sai lầm.

Thưa ông Thân Đức Việt, người ta đang nói rằng thương hiệu Việt không lan toả, không mạnh mẽ vì bị mất đi, chìm đi, bị áp đặt bởi các thương hiệu nước ngoài bởi vì là do doanh nghiệp. Theo cách nhìn của ông một cách công bằng nhất thì Nhà nước đang thiếu những cái gì để giúp các doanh nghiệp tạo dựng, đẩy mạnh và phát triển thương hiệu của mình?

Ông Thân Đức Việt: Cám ơn Nhà báo Nguyễn Quang Thiều. Tôi cũng rất chia sẻ với các ý kiến của bà Phạm Chi Lan và anh Minh Phong về thế mạnh của Trung Quốc cũng như sự phối hợp mạnh mẽ giữa Chính phủ với doanh nghiệp.

Ai cũng biết đến ngành dệt may Việt Nam, là một nơi có nhân công giá rẻ, trình độ tay nghề khéo léo nhưng hỏi xem thương hiệu may mặc nào của Việt Nam có mặt trên thế giới thì chưa có. Đó cũng là một việc khó khăn thực sự rất lớn cho các doanh nghiệp và chúng tôi cũng đang phải đối mặt.

Ngành may mặc thì có tính đặc thù cao. Để phát triển một thương hiệu may mặc ở Việt Nam đã khó, ra thế giới còn khó hơn nhiều. Chúng tôi cũng rất muốn các chính sách của Chính phủ nên gắn liền hơn với các doanh nghiệp. Ngay cả những số liệu thống kê về thị trường doanh nghiệp chúng tôi cũng rất thiếu.

Và thực sự là để đưa được một thương hiệu Việt Nam ra ngoài thế giới vẫn là một chặng đường còn rất dài.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Đúng là một chặng đường rất dài và chúng ta phải có một chiến lược mang tính tổng thể từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước đến những cơ quan chuyên môn liên quan và cả từng người dân nữa.

Nhưng trước hết chúng ta chưa làm được điều đó, chúng ta phải trở lại chính thị trường của chúng ta, cái diện tích trên hình chữ S này của dân tộc chúng ta, chúng ta cũng không làm được điều đó, mà chúng ta để cho những người ở xứ khác đến và thống trị một cách ngang nhiên.

Đã bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam ngồi trong nhà, cầm hàng may mặc Trung Quốc giơ lên và tự hỏi tại sao họ lại quyến rũ những người Việt Nam hơn, tất nhiên là ngoài giá cả, vì giá cả chỉ là một lý do. Vậy các ông sẽ làm cách nào để có thể cân bằng lại lực lượng, tôi chưa nói chúng ta có thể vượt trội, với hàng hoá Trung Quốc trong lĩnh vực may mặc. Và chúng ta đang thua họ những điều gì cơ bản nhất?

Ông Thân Đức Việt: Thực tế xét trên góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cũng phải nhìn nhận, ví dụ ngành đồ chơi là hàng Trung Quốc đang thống trị, còn trong ngành may mặc, Trung Quốc đúng là một đối thủ rất mạnh. Nhưng trong khoảng 3 năm gần đây nếu quý vị theo dõi thì thực sự là ngành may mặc Việt Nam đang thắng thế tại thị trường Việt Nam.

Tôi cũng biết có những doanh nghiệp đang bán hàng giá rất thấp và đưa về các tỉnh phía bắc để bán. Những doanh nghiệp đó, xin lỗi phải nói là họ vi phạm bản quyền, vì họ làm nhái hàng để bán. Có những nhãn gắn trên áo chúng ta mặc không phải do doanh nghiệp Trung Quốc làm mà do doanh nghiệp Việt Nam làm.

Xét về phân khúc thị trường, với thị trường nông thôn,các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đang thua hoàn toàn, do tính chất vùng miền cũng như mức thu nhập ở những vùng này dẫn đến chuyện là hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào chiếm lĩnh.

Mặc dù Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách, ví dụ đối với hàng may mặc Trung Quốc nhập khẩu là bị đánh thuế rất cao, ngay cả vải nhập về cũng bị đánh thuế cao. Tuy nhiên việc đánh thuế là cho chính ngạch, nhưng tiểu ngạch thì Chính phủ lại chưa quản lý tốt.

Đó là lý do tại sao hàng tiểu ngạch đang lũng đoạn thị trường cấp thấp của Việt Nam, riêng về ngành may mặc. Đó cũng là một bài toán rất khó để chúng tôi đánh bật được hàng Trung Quốc trong những phân khúc thị trường này, do vậy, chúng tôi phải nhắm vào thị trường cao cấp hơn.

"Made in Vietnam" đáng giá bao nhiêu?

"Made in Vietnam" đáng giá bao nhiêu? Ảnh: vov.

Nhà báo Nguyễn Quan Thiều:
Chúng ta nhái lại hàng Trung Quốc hay chúng ta dán một cái mác khác vào thì cũng chỉ là một tiểu xảo, nhưng tiểu xảo này sẽ không bao giờ làm cho chúng ta trở nên hùng mạnh được.

Có một câu hỏi của anh Phạm Đức Dụ (cử nhân tin học ở Đà Nẵng) hỏi bà Phạm Chi Lan, người có nhiều gắn bó trăn trở với doanh nghiệp Việt Nam. Theo bà nhãn hiệu "Made in Vietnam" đáng giá bao nhiêu?

Tại sao nhiều sản phẩm của Việt Nam có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, bán tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp vẫn không dám đề Made in Vietnam mà chỉ lập lờ kiểu "Designed in Italia", v.v… Làm thế nào để "Made in Vietnam" thoát khỏi số phận chiếu dưới?

Bà Phạm Chi Lan: Câu hỏi rất hay nhưng cũng rất khó. Khó là ở chỗ đến bây giờ tôi và nhiều người khác nữa dù có trăn trở bao nhiêu, tìm hiểu bao nhiêu về thương hiệu Việt Nam cũng chưa thể trả lời được đánh giá giá trị của Made in Vietnam là bao nhiêu.

Thực ra điều đó như anh Việt vừa nêu là cần phải có những nghiên cứu thấu đáo, có những bàn tay chuyên nghiệp để đưa ra những đánh giá. Hàng năm trên thế giới chúng ta cũng chỉ chứng kiến có một số thương hiệu rất nổi tiếng được đưa ra định giá. Trong khi đó hàng triệu sản phẩm khác trên thế giới không hề được đưa ra đánh giá và định giá.

Tuy nhiên rõ ràng là "Made in Vietnam" chưa trở thành một địa chỉ xứng đáng đối với tất cả các sản phẩm có thể làm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng, như "Made in Japan".

Nói đến thương hiệu này thì người tiêu dùng dù ở Nhật hay nước ngoài đều có thể đặt niềm tin hoàn toàn vào chất lượng. Nói đến hàng Nhật là nói đến chất lượng, nói đến sự kỹ càng, chuẩn xác, đúng với những gì họ công bố và những điều tốt đẹp nhất họ có thể mang lại cho người tiêu dùng. Đó là cái mà người Nhật tạo được.

Còn nói đến "Made in China" thì người ta lại nghĩ đến khía cạnh khác: hàng rẻ, hàng phong phú, rất nhiều chủng loại chứ chưa chắc đã là khía cạnh chất lượng.

Hay nói đến "Made in USA" là nói đến công nghệ, kỹ thuật. Chúng ta chưa định vị được mình "Made in Vietnam" là cái gì đây trên thế giới này. Vì vậy câu hỏi đó rất khó trả lời.

Nhưng mà riêng trong nước thì tôi hoàn toàn chia sẻ điều này, là ngay bản thân các doanh nghiệp Việt Nam ý thức chưa cao về thị trường nội địa của mình. Vẫn có tâm lý rằng hàng "Made in Vietnam" tốt phải là hàng xuất khẩu, còn hàng làm cho trong nước thì vừa phải thôi.

Đây phải nói là một chiến lược và tư duy rất sai. Có lẽ đó cũng là do ảnh hưởng từ việc chúng ta từ khi đối mới đã hướng rất mạnh vào xuất khẩu và tập trung mọi sự khuyến khích cho các ngành hàng xuất khẩu, và chúng ta cũng hiểu là muốn xuất khẩu được thì phải cạnh tranh được về chất lượng và giá cả, nên đã dồn hết nỗ lực cho các sản phẩm xuất khẩu để đạt được chuẩn cao đó.

Còn khi bán hàng trong nước thì ít nhiều gây ra cho người tiêu dùng trong nước tâm lý rằng hàng này có lỗi một chút gì đây, hoặc lô hàng này không xuất khẩu được nên mới đem bán trong nước. Thậm chí có doanh nghiệp còn đi quảng cáo là hàng nội chất lượng ngoại.

Như vậy tâm lý của ngay bản thân người sản xuất đã coi chất lượng ngoại là hơn chất lượng nội rồi. Đấy là một điều rất sai lầm trong chiến lược kinh doanh, sai lầm khi coi thường thị trường nội địa là thị trường rất rộng lớn của mình.

Đến bây giờ khi khó khăn về xuất khẩu mới bừng tỉnh ra rằng chỗ dựa của mình chính là quê hương đất nước mình đây chứ không phải ở thế giới bên ngoài mặc dù nó rất rộng lớn, nhiều cơ hội.

Tôi nghĩ đây là một sai lầm mang tính chất chiến lược của doanh nghiệp. Có một số doanh nghiệp trong thời gian gần đây đã tỉnh ngộ và có nỗ lực cao để quay trở lại thị trường nội địa tốt hơn, chủ động đưa hàng về các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh để bán.

Ví dụ các doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở phía Nam là chính đang có cả một chiến dịch "Đưa hàng Việt về nông thôn", và đi về các nơi, như đầu tuần này họ đi về Ninh Hoà, một huyện của tỉnh Khánh Hoà, và đã chinh phục được người tiêu dùng hoàn toàn.

Người tiêu dùng ở đó rất an tâm, họ bảo cứ nghe nói hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng chưa bao giờ trông thấy về đến đây cả, bây giờ về đến đây thì tôi tin và tôi mua. Họ hào hứng mua rất nhiều. Có doanh nghiệp một ngày bán được đến 150 triệu tiền hàng mặc dù tưởng chừng một vùng nghèo như vậy thì sức mua không lớn. Các doanh nghiệp bừng tỉnh là bà con mình vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng Việt nếu chất lượng tốt, bán hàng ngay ngắn, có thái độ tốt đối với người tiêu dùng.

Ảnh: vnn.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Về phía doanh nghiệp thì như vậy, còn về phía hệ thống nói chung thì việc phát triển thị trường nội địa cần các điều kiện như thế nào?

Bà Phạm Chi Lan: Cần sản phẩm tốt, chiến lược cạnh tranh đúng, những dịch vụ kèm theo đều vô cùng quan trọng. Hệ thống phân phối cũng rất quan trọng.

Chúng ta đang đương đầu với một thách thức rất lớn là khi mở cửa hệ thống phân phối cho các doanh nghiệp nước ngoài thì nguy cơ hàng Việt Nam trong các đại siêu thị ngày càng bị rút xuống để nhường những kệ đẹp nhất, bắt mắt nhất, giá trị nhất cho hàng nước ngoài.

Điều đó đòi hỏi hệ thống phân phối của Việt Nam phải nỗ lực vươn lên rất nhiều. Hạ tầng thương mại cho Việt Nam cũng vậy.

Tôi cũng đã từng nếu với Bộ Thương mại trước đây là hình như bộ chưa quan tâm thích đáng đến phần thị trường nội địa trong điều hành chung của bộ và càng ít quan tâm đến các hạ tầng thương mại cần thiết.

Các doanh nghiệp Việt Nam đâu có dễ dàng thuê kho rộng rãi, thuê những địa điểm bán hàng đẹp mà đều dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Metro, Big C có thể có những mảnh đất hàng chục ha rộng lớn mênh mông nhưng doanh nghiệp Việt Nam thử hỏi có thể có hay không? Đó là chưa kể tất cả những phương tiện khác đi kèm theo để giúp doanh nghiệp.

Với tất cả những cách làm như vậy, chúng ta khó có thể có được khả năng bán hàng tốt, tạo dựng được thương hiệu Việt Nam phổ biến ngay trên mảnh đất Việt Nam chứ chưa nói ở bên ngoài. Còn về những chương trình xúc tiến thương mại thì tôi cũng đồng tình với những gì anh Việt nói.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Xin được hỏi kỹ hơn về xúc tiến thương mại. Thưa bà Phạm Chi Lan, bà có suy nghĩ như thế nào về các chương trình "xúc tiến thương mại" mà lâu nay chúng ta đã đổ rất nhiều tiền của vào đó?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi có một cảm nhận chung là các chương trình xúc tiến thương mại do các cơ quan nhà nước làm vẫn chưa thực sự theo tiêu chí của dân, do dân, vì dân. Xúc tiến hàng hoá trước hết phải của doanh nghiệp, do doanh nghiệp, vì doanh nghiệp thì phải tham khảo họ tối đa, lôi kéo họ vào làm, nhà nước chỉ nên tạo mồi hỗ trợ họ làm chứ không nên làm lấy, vì Nhà nước làm không bao giờ trúng được bằng họ, vì bán được hàng là lợi ích thiết thân nhất của họ, họ biết cách hơn rất nhiều.

Các nhà kinh doanh có ngôn ngữ chung chứ các nhà chính trị, làm chính sách chưa chắc đã hiểu ngôn ngữ, tư duy của những người muốn nhận tín hiệu từ sự quảng bá, sự xúc tiến thương mại của mình.

Thế nên tốt nhất là để doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp làm. Hiệp hội chưa mạnh một phần do doanh nghiệp, một phần do chúng ta chưa tạo cơ chế để hiệp hội có vai trò thích đáng. Thử hỏi Chính phủ đã tôn trọng hiệp hội đầy đủ chưa hay công việc xúc tiến cho doanh nghiệp đã giao cho hiệp hội làm chưa, hay là cho làm một chút theo kiểu ban phát chứ chưa thực sự tạo điều kiện tối đa cho họ làm?


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Những sai lầm chiến lược của doanh nghiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét