Gửi lúc 14:34' 01/02/2010
300 tên miền tiếng Việt đã có chủ
Website cung cấp tên miền tiếng Việt của VNNIC. |
Sau 6 tháng Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đưa vào thử nghiệm hệ thống tên miền tiếng Việt, đến nay, có hơn 4.000 chủ thể đăng ký sử dụng domain bản địa. Trong đó, VNNIC đã cấp phát được trên 300 tên miền.
Theo thống kê của VNNIC, trong số những tên miền tiếng Việt đã được cấp phát sử dụng có 40% là của các doanh nghiệp, 25% thuộc về cá nhân và 17% do các trường đại học, giáo dục đăng ký. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí như Thời báo Kinh tế Việt Nam, Lao Động, Xã hội Thông tin... cũng đã đăng ký tên miền tiếng Việt để sử dụng. Tên miền trực tiếp .vn được lựa chọn nhiều nhất, chiếm tới 95%. Còn lại là .com.vn; .edu.vn hay .info.vn…
Tên miền tiếng Việt đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng. Trong đó, nhiều nhất là các cá nhân (bao gồm cả học sinh, sinh viên) chiếm 93%, còn lại 7% là các tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt có một số người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài cũng quan tâm và đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt.
"Tên miền tiếng Việt ra đời nhằm phục vụ cộng đồng người sử dụng ngôn ngữ Việt và phạm vi quảng bá website cũng nhắm đến những đối tượng này. Nếu người nước ngoài có nhu cầu với domain Việt hoá thì buộc họ phải tuân theo những quy định của nó, tối thiểu là biết tiếng Việt", ông Lê Nam Trung, Trưởng phòng Kinh tế, thống kê VNNIC, nói.
Khi bắt tay vào việc biến ý tưởng về tên miền tiếng Việt thành hiện thực, VNNIC đã mời 6 ISP (gồm: Netnam, Viettel, OCI, SPT, ETC, TIE), 5 nhà đăng ký tên miền và gần 20 chuyên gia công nghệ thông tin cùng tham gia nghiên cứu.
Nhiều chuyên gia đánh giá việc bản địa hoá địa chỉ Internet tạo thuận lợi trong việc quản lý tài nguyên tên miền trên mạng. Nhà nước có khả năng thêm được nhiều domain mới và cung cấp tên miền cấp 2 với chi phí rẻ.
Hàng loạt quốc gia trên thế giới đã chính thức triển khai, cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền Internet bản địa và được sử dụng ngày càng nhiều. Đứng đầu là Hàn Quốc với 516.000 tên miền tiếng Hàn, Nhật Bản có 450.000 domain nội địa, Trung Quốc có 130.000 tên miền và Pháp có 316.000 domain. |
"Nhờ có tên miền tiếng Việt, cộng đồng người Việt có thể khai thác Internet bằng nhiều cách. Đồng thời giảm thiểu khó khăn về vấn đề ngoại ngữ, tăng tính dân tộc, cũng như thu hẹp khoảng cách số", chị Vũ Thu Hường, Trưởng ban biên tập tạp chí Xã hội Thông tin, nói. "Tuy nhiên, để tạo thói quen sử dụng tên miền tiếng Việt, VNNIC cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thu hút cộng đồng sử dụng tên miền tiếng Việt nhiều hơn".
Ông Đức Tài, phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội, nhận xét: "Sử dụng tên miền tiếng Việt rất tiện lợi trong việc tìm kiếm thông tin và không sợ gây ra sự nhầm lẫn".
Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm phủ nhận khả năng ứng dụng thực tiễn của domain "nội địa" vì những bất cập khi sử dụng. "Tôi cho rằng người nước ngoài sẽ gặp khó khăn với tên miền tiếng Việt. Thậm chí ngay cả người trong nước cũng gặp rắc rối nếu PC của họ chưa được cài phần mềm vnclient để hỗ trợ font tiếng Việt", Minh Hồng, một lập trình viên, nhận định.
Ông Đức Tuân, Trưởng ban báo Lao Động điện tử, chia sẻ: "Chúng tôi đã dùng thử nghiệm tên miền tiếng Việt song song với domain truyền thống. Nhưng quả thật sử dụng hệ thống này rất phức tạp. Ví dụ, trong khi các công cụ tìm kiếm của VN không đủ mạnh thì nếu sử dụng tên miền tiếng Việt, người dùng sẽ gặp rắc rối khi cần search. Theo tôi, tên miền tiếng Việt sẽ khó phát triển rộng rãi".
Theo ông Lê Nam Trung, việc phải cài đặt những chương trình tương thích với tên miền tiếng Việt là bình thường. "Vấn đề là ở quan niệm của người sử dụng. Nếu coi đó là sự phức tạp hoá thì chương trình khó sử dụng. Nếu thấy cần thiết thì những khó khăn đó không có gì đáng kể", ông nói.
Thật khó kết luận về tương lai của tên miền tiếng Việt trước những tranh luận xung quanh việc bản địa hoá domain. Song, đại diện VNNIC vẫn tỏ ra lạc quan: "Việc triển khai tên miền tiếng Việt cũng phù hợp với mục tiêu bản địa hoá, tương tự như Windows, Linux đang được Việt hoá. Xét về mặt kỹ thuật, việc này đã tạo ra một công nghệ mới giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan đến tiếng Việt như: tìm kiếm, lưu giữ, truyền tin, ứng dụng…".
Xem tiếp
Bản gốc: Thiết kế website - 300 tên miền tiếng Việt đã có chủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét