Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Web 2.0 Viet Nam: Thoi cua user-generated content

Số lượt xem: 401
Gửi lúc 10:36' 10/02/2010

Web 2.0 Việt Nam: Thời của user-generated content

Sàn Nhạc, website hát karaoke và thu âm trực tuyến giờ đây đã không còn là "duy nhất tại Việt Nam cho phép bạn thu âm trực tiếp trên Net" (thông tin giới thiệu của Sàn Nhạc), vì trang Zing Star vừa xuất hiện. Sự đầu tư kĩ lưỡng vào tính năng "hát karaoke và thu âm online" của hai công ty lớn trong lĩnh vực nội dung số trong nước – VC (chủ quản Sàn Nhạc) và VinaGame (chủ quản Zing Star) – một lần nữa gợi lên câu hỏi: Phải chăng thời kì của các dịch vụ web hướng đến user-generated content (nội dung do người dùng tạo ra) đã thịnh ở Việt Nam?

Blog – chủ đề được khai thác cực kì chi tiết trên các phương tiện truyền thông, được cộng đồng người dùng thảo luận rôm rả trong suốt thời gian qua – nguyên nhân nào dẫn đến thành công? Theo tôi, thứ nhất, tính năng của blog đáp ứng được nhu cầu giải tỏa cảm xúc, chia sẻ và kết bạn của người dùng Internet. Thứ hai, là một chi tiết không thể phủ định: Chính nội dung do các blogger tạo ra đã thu hút người đọc và khách truy cập tham gia dịch vụ blog. Nghiệm lại những thành công "triệu/tỷ đô" trong làng Web 2.0 thế giới: Flickr (site lưu giữ và chia sẻ ảnh số), Digg (site lưu giữ và chia sẻ những địa chỉ web hay) hay Youtube (site chia sẻ video trực tuyến)…, chúng ta dễ dàng nhận ra sự đóng góp nội dung từ cộng đồng người dùng quả thật không nhỏ. Như vậy, nói một cách khái quát: Để website của mình thành "hit" trong thời đại 2.0, bên cạnh ý tưởng tốt, phù hợp – sở hữu công nghệ thực hiện ý tưởng khả thi – đúng thời điểm, bạn cần phát triển rộng rãi cộng đồng người dùng và phát huy triệt để yếu tố user-generated content. Xét tại Việt Nam, theo nhận định cá nhân, tôi cho rằng những dịch vụ web liên quan đến viết lách, âm nhạc, video sẽ "phình to" mảng user-generated content trước những dịch vụ web khác.

Viết lách, âm nhạc và video

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), đến tháng 4/2008 đã có hơn 19 triệu người dùng Internet trong nước, chiếm hơn 23% dân số (xem chi tiết tại đây). Bênh cạnh đó, đời sống người dân ngày càng phát triển, nhu cầu giải trí cũng tăng cao tỉ lệ thuận. Thêm nữa, giá thành máy tính và chi phí kết nối Internet có thể chấp nhận được với hầu hết mọi người. Đặc biệt, nhu cầu giải trí và thể hiện cá tính của đại bộ phận giới trẻ hiện đang rất "khát". Đó là lí do giải thích cho sự phát triển ồ ạt về số lượng cũng như chất lượng của những website tập trung chủ yếu đến đối tượng thanh thiếu niên trong thời gian qua.

Về mảng viết lách, dịch vụ blog tại Việt Nam sẽ ngày càng phổ biến và phát triển hơn. Vì giờ đây, người dùng đã xem blog như một "trademark" để so sánh và nhận biết nhau trên xa lộ Internet. Đặc biệt, hiện cũng đã xuất hiện một số công ty truyền thông ở Việt Nam bắt đầu triển khai hình thức đặt nội dung quảng bá trên những blog phổ biến và quen thuộc trong cộng đồng cư dân mạng, nói cách khác, blogger Việt đã có thể thu được lợi nhuận từ trang blog của mình. Hai động lực này càng thúc đẩy blogger chăm chút hơn cho "đứa con tinh thần", cộng thêm những sự kiện do nhà cung cấp dịch vụ blog tổ chức đều đặn như thi tạo theme, thi viết entry hay…, kết quả tất yếu là cộng đồng người dùng blog sẽ liên tục phát triển.

Đối với mảng âm nhạc, từ thành công ban đầu của website Yeucahat.com (cho phép người dùng lưu giữ và chia sẻ những đoạn ghi âm bài hát do cá nhân tự thể hiện), ngay sau đó lần lượt xuất hiện: Cuộc thi YAN Karaoke trên diễn đàn Yeuamnhac.com (được tài trợ bởi IAC Việt Nam, một dự án của hãng Nokia về phát triển âm nhạc cộng đồng), rồi đến website Sàn Nhạc và gần đây là Zing Star. Tất cả đều hướng đến user-generated content, và được người dùng ủng hộ rất nhiệt tình trong thời gian qua. Lí do khá đơn giản, chủ quản các website này đã nắm bắt được nhu cầu mong muốn trở thành ca sĩ, nhạc sĩ của giới trẻ hiện nay. Sự xuất hiện liên tục của các cuộc thi âm nhạc ngoài đời thực, sức tiêu thụ sản phẩm âm nhạc phần lớn do giới trẻ quyết định, các nhà tài trợ sẵn sàng đầu tư, các công ty kinh doanh âm nhạc chấp nhận tác phẩm của giới trẻ, những yếu tố này khiến con đường bước vào hoạt động trong giới showbiz Việt chưa lúc nào dễ dàng như hiện nay. Ngày trước, nếu nhắc đến ca sĩ online, chúng ta chỉ có thể liệt kê ra hai cái tên Bảo ThyThùy Chi, thì giờ đây là muôn vàn. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu về một "sân tập", một bệ phóng online cho một sự nghiệp ca hát/sáng tác của giới trẻ, những website âm nhạc hướng đến user-generated content như Yeucahat.com, Sàn Nhạc, Zing Star…đã ra đời khá nhanh chóng. Trong tương lai, có thể những mô hình này sẽ được nâng cấp trở thành những công ty đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc.

Cuối cùng là mảng video. Xét về khía cạnh giải trí đơn thuần, video thu hút hơn âm nhạc và viết lách. Tuy nhiên, dường như các dịch vụ web chia sẻ video clip ở Việt Nam đang bị chững lại về khoản user-generated content. Đảo một vòng những Clip.vn, Clip.tamtay.vn, Blog.com.vn…, tôi nhận thấy nguồn nội dung trên các website này chủ yếu là video clip ca nhạc, phim trích xuất từ CD/DVD hay được thu lại từ truyền hình. Như vậy, đây chỉ là user-ripped content chứ chưa phải user-generated content.

Nhớ lại sự thành công của Youtube, mọi người yêu thích Youtube vì số lượng clip "made in… tui" quá khổng lồ và phong phú. Từ những đoạn video thu hình động đất, sóng thần, phỏng vấn người nổi tiếng, cho đến hát nhép, tự sự, cãi nhau… Chính nhờ nguồn nội dung "thượng vàng hạ cám" này đã khiến người dùng có cảm tưởng: "Lên Youtube là có tất cả". Họ thích thú, ghé thăm website liên tục, truyền tai nhau, thảo luận cùng nhau, và kết quả là Youtube có giá 1,65 tỷ USD trong tay đại gia Google chỉ sau gần một năm hoạt động. Quay lại các website chia sẻ video clip trong nước, tôi cũng thấy đã có nhiều chương trình khuyến khích nguồn user-generated content được tổ chức, nhưng chỉ xuất hiện ở những website lớn như Clip.vn (chủ quản là tập đoàn Vega, được quỹ IDGVV đầu tư), số còn lại khá im ắng. Trong thời gian sắp tới, khi giá thành các mặt hàng điện tử (điện thoại di động, máy chụp ảnh, máy quay phim) ngày càng rẻ và thông dụng; tính cách giới trẻ Việt Nam đã bớt rụt rè, e ngại; thói quen chụp ảnh, quay phim những kiện như sinh nhật, họp mặt… để chia sẻ với bạn bè qua mạng trở nên gần gũi; chắc chắn nguồn user-generated content sẽ bùng nổ trên các dịch vụ web liên quan đến video tại Việt Nam.

Chìa khóa phát triển user-generated content?

Vì sao tôi thích Google? Google đưa tôi đến thế giới tri thức ngút ngàn. Google hỗ trợ tôi trong công việc, gián tiếp đem lại nguồn thu hằng tháng cho tôi. Vì thế, tôi sẵn sàng thiết lập địa chỉ Google thành trang chủ trên trình duyệt, tôi chờ đợi và thích thú thử nghiệm những sản phẩm mới từ Google, tôi hào hứng chỉ dẫn người khác sử dụng Google và các dịch vụ kèm theo, tôi thao thao bất tuyệt cùng bạn bè những hiểu biết về nó. Tôi không quan tâm việc Google lưu trữ thói quen và từ khóa tìm kiếm của mình, dù biết hành động này đã đem lại cho Google biết bao lợi nhuận. Hãy đưa lợi ích đến người dùng, họ sẽ vun đắp dịch vụ của bạn. Đó là kinh nghiệm tôi rút ra được từ thương hiệu web lớn nhất nhì thế giới này. Nhìn lại, một số website trong nước kêu gọi, có cả ép buộc người dùng tham gia dịch vụ của mình nhưng đa phần đều bị từ chối. Trong khi hàng triệu người dùng trên toàn thế giới phải liên kết cùng nhau "năn nỉ" Yahoo! đừng đóng cửa dịch vụ 360° để họ có thể tiếp tục sử dụng. Nếu ngẫu nhiên hỏi một nhóm blogger Việt Nam về Yahoo!, có thể họ không biết gì về thương hiệu này, nhưng chắc chắn họ biết rất rõ dịch vụ 360° và Messenger đã đem lại cho họ bạn bè, có khi là cả công việc và lợi nhuận. Tôi tin mấu chốt thành công trong việc khuếch trương nguồn user-generated content nằm ở đây. Bạn nghĩ sao?

Trần Đức Khiêm


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Web 2.0 Việt Nam: Thời của user-generated content

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét