Gửi lúc 09:09' 12/05/2010
Gần 300 triệu USD cho vệ tinh Vinasat 2
Việt Nam thêm một "ngôi sao" trong 2 năm tới
Thi công cho dự án "lịch sử" của ngành viễn thông Việt Nam lần này vẫn tiếp tục là công ty Lockheed Martin Commercial Space Systems thuộc Tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ.
Tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ tiếp tục là nhà thầu sản xuất vệ tinh thứ 2 của Việt Nam (ảnh: P.H)
Sự lựa chọn trên được đánh dấu mốc vào chiều 11/5, qua lễ ký kết hợp đồng gói thầu số 2 "Cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng" thuộc dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat 2, giữa Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) và Lockheed Martin.
Theo VNPT, riêng gói thầu ký với Lockheed Martin đã chiếm khoảng 215 triệu USD, tương ứng chiếm 75% tổng vốn đầu tư tòan bộ dự án. Thời gian hoàn vốn là 10-12 năm.
Theo bản hợp đồng trên, quả vệ tinh thứ 2 sẽ được Lockheed Martin sản xuất trên nền tảng khung A2100, dung lượng lớn hơn nhiều so với quả vệ tinh Vinasat 1.
Vinasat 2 có 24 bộ phát đáp, băng tần Ku (băng thông 26Mhz). Tuy nhiên, sau khi tối ưu thiết kế vệ tinh, nhà thầu Lockheed Martin cam kết, có thể khai thác lên tới 25 bộ phát đáp, tính đến cuối thời gian sống.
Vùng phủ sóng của Vinasat 2 dự kiến vẫn ở khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Cũng như Vinasat 1, tuổi thọ của vệ tinh thứ 2 kéo dài trong khoảng 15 năm.
Lockheed Martin sẽ bàn giao cho VNPT trên quĩ đạo tại vị trí 131,8 độ Đông sau 24 tháng, tính từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Nghĩa là, vào khoảng tháng 5/2012, Vinasat 2 sẽ được phóng lên quĩ đạo. Ở lần phóng này, VNPT cho biết sẽ sử dụng tên lửa Ariean 5, là loại tên lửa tốt nhất hiện nay.
Ông Joe Rickers, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn kiêm Tổng giám đốc Lockheed Martin Commercial Space Systems khẳng định: "Mặc dù thời gian không nhiều, song tập đoàn sẽ nỗ lực đảm bảo đúng tiến độ sản xuất và bàn giao vệ tinh, cũng như cam kết về chất lượng của vệ tinh thứ 2."
Đánh giá về dự án này, Bộ trưởng bộ TT-TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: "Trong 2 năm tới, Việt Nam có thêm quả vệ tinh thứ 2, sẽ tạo bước đột phá trong việc nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông quốc gia, là cầu nối cho viễn thông Việt Nam tham gia sâu thị trường viễn thông quốc tế, đồng thời, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế biển đảo, kinh tế vùng sâu, vùng sa trong nước".
Lợi nhuận thấp nhưng tiềm năng lớn
Vinasat 2 sẽ "hoành tráng" hơn Vinasat 1 (ảnh: theo VNPT)
Bên cạnh ý nghĩa lớn lao về chính trị, Vinasat 2 được công chúng quan tâm nhiều nhất ở tính hiệu quả kinh tế. Bởi lẽ, với vòng đời chỉ 15 năm và thời gian hoàn vốn là 12 năm, lợi nhuận kinh doanh dịch vụ vệ tinh chưa phải là cao.
Chưa kể, cũng như nhiều dịch vụ quốc tế khác, dịch vụ vệ tinh của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều quốc gia khác cũng đang đầu tư, phát triển vệ tinh. Do đó, giá thuê dung lượng vệ tinh Vinasat cũng phải cạnh tranh ngang bằng với khu vực.
Lấy kinh nghiệm từ vệ tinh Vinasat 1, ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh: "Không phải cứ cho thuê được 100% dung lượng là đã thu hồi vốn được ngay. Tuy nhiên, VNPT đã cố gắng đẩy sớm tiến độ thu hồi vốn. Với Vinasat 2, VNPT cũng đang xây dựng khách hàng tiềm năng ngay từ bây giờ".
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho biết: "Qua khảo sát thị trường trong và ngoài nước, nhu cầu về dịch vụ vệ tinh là rất lớn. Hầu như ở nhiều nước, đều cố gắng có 2-3 vệ tinh để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quĩ đạo. Do đó, Việt Nam không thể dừng lại chỉ có 1 vệ tinh."
"Hiện nay, nhiều khách hàng lớn đang thuê khai thác vệ tinh Vinasat 1 muốn mở rộng dung lượng nhưng vệ tinh 1 chưa đủ điều kiện để đáp ứng", ông nói.
Ông Minh phân tích thêm: "Hơn nữa, với sự ra đời vệ tinh Vinasat 2, dịch vụ vệ tinh của Việt Nam sẽ có dự phòng về dung lượng. Việt Nam sẽ hình thành một hệ thống vệ tinh, cho phép giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng."
Tính đến nay, Việt Nam đã đăng ký 7 vị trí quĩ đạo và như vậy, có thể hiểu rằng, tương lai xa, Việt Nam còn có thêm Vinasat 3, Vinasat 4… Theo VNPT, sau 2 năm kể từ khi được phóng lên quĩ đạo, Vinasat 1 hiện đang được khai thác 80% dung lượng và 20% dung lượng còn lại sẽ được khai thác toàn bộ vào năm 2011. Nhiều khách hàng lớn hiện đang thuê dung lượng Vinasat 1 như Đài truyền hình Việt Nam. Đài truyền hình TP HCM, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện Việt Nam VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Công an, Binh chủng thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng… Vinasat 1 cũng đang được các đối tác nước ngoài ở Lào, Thái Lan, Singapore thuê dung lượng. Tiến độ thu hồi vốn ở Vinasat 1 đã được VNPT đẩy sớm 1 năm. Và như vây, trong 10 năm tới, Vinasat 1 sẽ thu hồi được vốn và bắt đầu chu kỳ có lãi lớn.
Xem tiếp
Bản gốc: Thiết kế website - Gần 300 triệu USD cho vệ tinh Vinasat 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét