Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

“Giai ma” nhan vien

Số lượt xem: 641
Gửi lúc 14:01' 28/07/2009

"Giải mã" nhân viên

Biết được nhân viên thực sự nghĩ gì về công việc hiện tại, những hoạch định của họ cho tương lai để có đối sách thích hợp là một trong những yếu tố giúp phát huy khả năng của nhân viên cũng như giữ họ ở lại với công ty.

Khi nhận được mẩu tin nhắn qua điện thoại di động từ một trong những nhân viên có năng lực nhất trong công ty, vị giám đốc trẻ không khỏi bàng hoàng vì bất ngờ. Chỉ mới ngày hôm qua người này vẫn làm việc hăng hái, nhiệt tình như mọi ngày. Thế mà hôm nay, anh ta lại nhắn tin xin nghỉ việc. Ông giám đốc ngạc nhiên vì mình đã trả lương hậu hĩnh cũng như đối xử rất thân tình với người này. Lập tức ông điện thoại tìm hiểu lý do và được giải thích rằng chính vì "được đối xử quá thân tình" nên anh ta không thể mở lời trực tiếp mà phải nhờ vào tin nhắn.

Chưa chịu thua, ông giám đốc tiếp tục mời nhân viên này gặp mình để bàn thêm về quyết định mà theo ông là quá bất ngờ. Nhưng những lời lẽ tha thiết của ông cũng không đủ sức thuyết phục, người nhân viên này giải thích mình từ chối cuộc hẹn vì sợ rằng gặp nhau lại nể tình, không nỡ "dứt áo ra đi" trong khi mọi chuyện đã "lỡ làng" rồi.

Đó là một trong những câu chuyện được nêu lên tại một buổi tọa đàm về đề tài nhân sự do MPDF (Chương trình Phát triển dự án Mekong) tổ chức gần đây. Trong cuộc gặp gỡ này, nhiều người đã chia sẻ mối băn khoăn họ vẫn chưa hiểu được vì sao nhân viên của mình bỏ công ty ra đi dù đã tìm mọi cách đãi ngộ có thể về tiền lương. "Tôi vẫn chưa hiểu hết lý do đích thực của một số nhân viên có năng lực đã ra đi. Nhiều khi tôi có cảm giác mình mới chỉ hiểu những gì họ bộc lộ bên ngoài", vị giám đốc kể câu chuyện ở trên nói như than.

Nhân sự thường là chuyện phức tạp và "đau đầu" nhất trong mọi tổ chức. Do vậy, hiểu rõ nhân viên suy nghĩ ra sao, mong đợi điều gì là chuyện khó đối với các giám đốc nhân sự hay lãnh đạo doanh nghiệp. Với sự đa dạng về tính khí của con người, có nhân viên thích thổ lộ suy nghĩ, có nhân viên lại sống khép kín, cũng có người thích nói nhưng đôi khi lại không nói thật suy nghĩ của mình.


"Tảng băng ngầm" trong mỗi nhân viên

Những nhà quản lý nhân sự có kinh nghiệm cho rằng trong mỗi nhân viên đều có một "tảng băng ngầm". Kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, thái độ trong giao tiếp là những phần nổi nhà lãnh đạo có thể nhìn thấy ở từng nhân viên. Còn "tảng băng ngầm", cụm từ dùng để chỉ động cơ làm việc, tình cảm của nhân viên đối với công việc, cũng như quan điểm, nhận thức của họ về định hướng phát triển của công ty, lại là phần thường rất khó thấy.

Khám phá "tảng băng ngầm" đó chính là một thách thức đối với nhà quản lý. Một khi nhìn thấy được các "tảng băng ngầm", nhà quản lý sẽ hiểu rõ được nhân viên mình muốn gì, từ đó có những giải pháp thích hợp nhằm kích thích nhân viên làm việc hay là giữ chân họ lại.

Chẳng hạn, với một nhân viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thì yếu tố vật chất bao gồm lương, thưởng và phương tiện làm việc sẽ có tác động rất lớn đến động lực làm việc của họ. Trong một số trường hợp, yếu tố vật chất sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn nơi làm việc của nhân viên.

Tuy nhiên, chính người nhân viên đó, vài năm sau khi cuộc sống của gia đình họ khá hơn, khả năng làm việc tiến bộ hơn, họ có thể có suy nghĩ khác trước. Lúc này, yếu tố vật chất sẽ không còn ảnh hưởng lớn đến động lực làm việc, hoặc là chiếm tỷ trọng nặng trong quyết định lựa chọn chỗ làm. Thay vào đó, họ sẽ chú ý hơn đến những điều kiện thỏa mãn nhu cầu tinh thần, theo khuynh hướng chọn nơi làm việc thỏa mãn bản thân cao nhất. Đó có thể là cơ hội phát triển và thăng tiến, công việc thu hút, danh tiếng công ty và các mối quan hệ làm việc.


Để thấy được "phần chìm của tảng băng"

Biết lắng nghe nhân viên và tìm cách nghe họ nói cũng là một phương pháp tiếp cận hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy nhà quản trị cần phải biết dành thời gian của cá nhân mình cho những buổi đi ăn cơm trưa hay tối với nhân viên. Đôi khi trong những không gian thân tình, nhân viên lại cảm thấy dễ đề đạt ý kiến. Cũng không hiếm trường hợp có nhân viên mượn men bia để "trút hết nỗi lòng với sếp". Đó có thể là phút nói thật của họ.

Ngoài cách tiếp cận trực tiếp, nhà quản lý còn cần một hệ thống tai mắt thông tin nội bộ để hiểu hơn về tâm tư, tình cảm của nhân viên. Nhưng sử dụng hệ thống thông tin này là một nghệ thuật. Nó đòi hỏi nhà quản lý phải có tầm nhìn bao quát, khả năng thẩm định và chọn lọc thông tin, cũng như việc đưa ra quyết định cũng phải thật khách quan nhằm tránh cho nhân viên cảm giác đang có "người chỉ điểm" trong số các đồng nghiệp.

Nhà lãnh đạo giỏi là người luôn tìm cách tạo ra cho mình những công cụ hiệu quả để giải mã những suy nghĩ của nhân viên. Một khi nhìn thấy được tảng băng ngầm đó, nhà lãnh đạo sẽ phải thiết kế những giải pháp phù hợp để kích thích tinh thần làm việc của nhân viên và cột chặt họ vào doanh nghiệp.

Đối với Jack Welch, nhà quản trị nổi tiếng từng là Tổng giám đốc điều hành và Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn khổng lồ General Electric, "một công ty thành công sẽ không bao giờ để nhân viên của mình ra khỏi cửa chỉ vì ở đó năng lực của họ không được thừa nhận đúng, hay vì lương bổng không thỏa đáng". Trong quyển sách "bestseller" (bán chạy nhất) tựa đề Winning (Thắng cuộc) viết về những kinh nghiệm quản trị của mình, Jack Welch cho rằng mỗi cá nhân đều có nhu cầu được người khác thừa nhận về năng lực, thành quả lao động của họ. Theo ông, nhà quản trị phải hiểu được điều này và biết cách tôn vinh nhân viên một cách thích hợp. Khi được biểu dương, người nhân viên đó sẽ hiểu rằng những nỗ lực của họ đã được công nhận xứng đáng. Điều này mang đến cho họ sự hứng khởi hơn trong công việc, họ sẽ làm việc hăng say hơn để lại được công nhận trong tương lai. Tuy nhiên, tổ chức những buổi tiệc tuyên dương, trao biểu tượng công nhận thành tích là chuyện cần nhưng vẫn chưa đủ. Nếu sự công nhận về thành tích không kèm theo các khoản tiền thưởng tương xứng thì tác dụng của nó khó lòng đạt đến mục đích mong muốn của nhà quản trị.

Bên cạnh những điều vừa kể, muốn hiểu thêm về nhân viên, có lẽ bạn nên lưu ý một đặc điểm chung dễ nhận ra ở những nhân viên giỏi là nhu cầu học hỏi của họ rất lớn. Chẳng hạn, một người làm công việc giao tiếp truyền thông có năng lực chắc chắn sẽ muốn học thêm cách làm thế nào để có thể giao tiếp hiệu quả trên trang web. Một kỹ sư cơ khí giỏi chắc chắn sẽ muốn học được cách làm thế nào để vận hành được nhiều loại máy móc. Trong thực tế, những người có năng lực và khiêm tốn thường cho rằng mình rất khó đạt đến đỉnh cao nhất trong công việc, nhưng họ lại không nhận ra rằng mình đang cố gắng hết sức để đạt kỳ được mục tiêu đó.

Chính vì thế, một nhà quản trị giỏi phải biết cách làm cho khát vọng mở mang kiến thức trở thành hiện thực thông qua các chương trình đào tạo. Xem đào tạo như là một cách để động viên tinh thần làm việc của nhân viên đồng thời là cách để giữ chân họ lại. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp phải có một chính sách nhất quán. Đào tạo phải được xem như là phần thưởng cho kết quả làm việc khả quan của một nhân viên, chứ không phải là sự bù đắp vì thâm niên làm việc.

Không có một giải pháp vạn năng nào có thể áp dụng hiệu quả cho mọi doanh nghiệp. Vì thế, thách thức lớn nhất của bạn, nhà quản lý, là phải tìm được những giải pháp thích hợp cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có giải pháp đúng, chắc chắn nhân viên sẽ không ngần ngại gắn chặt tương lai của mình với công ty.


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - "Giải mã" nhân viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét