Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Gay dung thuong hieu chuc nam, mat trong vai ngay

Số lượt xem: 192
Gửi lúc 09:30' 30/01/2010

Gây dựng thương hiệu chục năm, mất trong vài ngày


Không chỉ các doanh nghiệp lớn như Trung Nguyên, Vinataba… từng đối mặt với nguy cơ bị mất thương hiệu mà ngay đến các đơn vị nhỏ cũng đang chung tình cảnh, khi mà hệ thống chính sách pháp luật chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của họ.

                                   

Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương: "Để xây dựng thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, một doanh nghiệp nhỏ tối thiểu cũng phải mất 5 - 10 năm. Tuy nhiên, chỉ vì cạnh tranh "bẩn" và gian lận thương hiệu mà uy tín của doanh nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ mất thương hiệu dày công gây dựng".

Bà Ngô Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Hoàng Kim (Hà Nội), cho biết, dù mới xuất hiện trên thị trường 4 - 5 năm nhưng doanh nghiệp đã không ít lần trở thành nạn nhân của hành vi gian lận thương hiệu: "Chỉ vài tháng sau khi tiếp cận được thị trường các tỉnh Đông Nam Bộ, chúng tôi đã thấy xuất hiện sản phẩm xúc xích, lạp xường y chang bao bì, nhưng tên Hoàng Kim lại được chệch đi thành Hoàng Kiên".

Theo bà Hạnh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu (thực phẩm, mỹ phẩm, xà phòng…) thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị xâm phạm kiểu này. Chẳng hạn, bột giặt Omo bị nhái thành Omon, nước tinh khiết Aquafina thành Aquatina… "Sản phẩm nhái thương hiệu hầu hết do các cơ sở tư nhân, gia công sản xuất nên kém chất lượng. Tuy nhiên, việc quản lý lại lỏng nên những doanh nghiệp bị gian lận thương hiệu phải chịu thiệt thòi", bà Hạnh ngán ngẩm.

Đáng ngại hơn, theo phản ánh của ông Trần Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH dệt nhuộm Minh Dư (Bắc Ninh), nhiều doanh nghiệp bị "đòn" từ trò cạnh tranh bẩn như quảng cáo vùi dập nhau, tung tin đồn triệt hạ đối thủ… có nguy cơ mất trắng thương hiệu. Doanh nghiệp của ông từng bị tung tin nhuộm vải bằng hóa chất gây ung thư da khiến thương hiệu dệt Minh Dư mà gia đình ông gây dựng mấy chục năm chỉ trong vài ngày đã bị "tẩy chay". "Trong khi, mất thương hiệu đồng nghĩa với mất cả thị trường và bạn hàng, còn thiệt hại, tốn kém khác không thể tính hết", ông Dư bức xúc.

Luật "hở", doanh nghiệp thì chủ quan

Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng quản lý cạnh tranh, thừa nhận: "Luật Cạnh tranh mới ban hành 5 năm, nhưng thực tế mới chỉ được áp dụng để giải quyết các vụ việc cụ thể trong hai năm gần đây. Trong khi, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm thương hiệu lại càng tinh vi và phức tạp".

Ở góc độ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Mỹ Liên, Giám đốc Công ty sở hữu trí tuệ Havip, lý giải, sở dĩ xâm phạm nhãn hiệu, thương hiệu hiện nay ngày càng phổ biến một phần do kẽ hở của pháp luật, mặt khác do chính sự chủ quan của doanh nghiệp. "Thương hiệu là tài sản vô hình nên khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát. Trong khi, pháp luật điều chỉnh vấn đề này lại chưa hoàn chỉnh. Mức phạt hành chính đối với vi phạm thương hiệu hiện từ 2 đến 100 triệu đồng là quá thấp, chưa đủ sức răn đe", bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ mải lo sản xuất, kinh doanh mà thờ ơ, không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nên phải đối diện với chuyện mất tên tuổi không chỉ ở trong nước mà thậm chí cả ở nước ngoài. Chẳng hạn, võng xếp Duy Lợi từng không thể xuất khẩu do không đăng ký nhãn hiệu ở thị trường ngoại. Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) khi "nhớ" ra phải đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài thì thương hiệu này đã bị công ty Putra Stabat Industry của Indonesia đăng ký tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về phía doanh nghiệp, theo bà Hạnh, hiện nhiều cơ quan cùng tham gia bảo hộ thương hiệu như Cục sở hữu trí tuệ, Cảnh sát kinh tế, Toà án… nhưng lại không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chính nên doanh nghiệp chưa thực sự được bảo vệ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp là nạn nhân của tình trạng "đánh cắp" và nhái thương hiệu buộc phải chọn cách đàm phán trực tiếp với đối tượng vi phạm. "Cách giải quyết không chính thức thế này khiến doanh nghiệp bị xâm phạm lại thêm tốn kém về thời gian, tiền bạc nhưng vẫn phải làm", bà Hạnh nói.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), đa số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến việc phát triển và bảo hộ thương hiệu. Hiện chi phí cho phát triển, bảo vệ thương hiệu thông qua quảng cáo, đăng ký sở hữu nhãn hiệu trong và ngoài nước của chỉ chiếm chưa đầy 10% doanh thu của doanh nghiệp.


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Gây dựng thương hiệu chục năm, mất trong vài ngày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét