Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Cong thuc tuyet mat cua Coca-Cola

Số lượt xem: 559
Gửi lúc 16:45' 27/02/2010

Công thức tuyệt mật của Coca-Cola


Coca-Cola là con đẻ của hai người đàn ông gần như không có điểm gì chung. John Smith Pemberton trở nên quen thuộc trên các đường phố Atlanta những năm sau cuộc nội chiến với bộ râu dài, rậm và đôi mắt đen.

Tuy là một cựu chiến binh và là người hùng trở về sau cuộc chiến nhưng bác sỹ Pemberton còn là một dược sỹ thích tiến hành các thử nghiệm. Mùa xuân năm 1886, ông pha 40 galông nước (≈ 4,54 lít) và chế ra một loại chất lỏng có vị ngọt đậm đà, màu đen gọi là nước xi-rô. 
 
Thứ nước này được hòa với dung dịch carbonate, rồi đem bán ở các cửa hàng nước giải khát. Sau này, nó đã trở thành loại nước ngọt thành công nhất mọi thời đại.
 
Tuy nhiên, mãi tận sau này, thứ xi-rô này mới được một người đàn ông khác đặt cho cái tên Coca-Cola. Frank Mason Robinson là cựu chiến binh thuộc quân đội liên bang. Cao khoảng 1,8m với đôi mắt buồn và hàng ria mép ủ rũ, giống như hầu hết các nhân vật lịch sử khác, Robinson rất dễ bị lãng quên.
 
 
Đến Atlanta vào tháng 12/1885, ông cộng tác với Pemberton và cả hai đều có ý tưởng đặt tên cho loại đồ uống mới theo tên của hai nguyên liệu làm ra nó là lá cây coca và hạt cây kola.
 
Nhận thấy điệp âm này rất thú vị nên Robinson thay đổi chữ "K" trong Kola thành chữ C để thể hiện sự giống nhau cả về hình thức lẫn nội dung, với một dấu nối đặt giữa. Ông cũng không thể ngờ rằng sau này Coca-Cola lại trở thành cái tên nổi tiếng nhất thế giới.
 
Sau sự kiện đặt tên, người ta cho rằng mặc dù Pemberton là ông tổ của loại đồ uống này nhưng Robinson mới là cha đẻ của Coca-Cola. Hơn nữa, trong những năm đầu, khi thương hiệu Coca-Cola chưa đủ sức đứng vững và suýt rơi xuống vực thẳm, chính ông là người vực dậy và phát triển công việc kinh doanh này. Và ông vẫn tiếp tục công việc ngay cả khi Pemberton cố gắng lừa gạt nhằm đẩy ông ra khỏi công ty.
 
Năm 1850, Pemberton bắt đầu được mọi người gọi là bác sỹ Pemberton khi ông mua giấy phép hành nghề y tạm thời của Ban giám đốc trường Đại học Southern Botanico-College ở Mocon, Georgia với giá 5 đôla.
 
Các nghiên cứu của Pemberton đều được tiến hành ở trường đại học Thomsonian do Samuel Thomson sáng lập. Thomson tin rằng hầu hết các căn bệnh ở người đều có thể chữa được bằng cách kích thích trạng thái bồn chồn và làm sạch bộ máy tiêu hóa.
 
Thompson cũng rất ủng hộ việc tắm hơi, sử dụng các loại thuốc gây nôn liều cao và các loại thuốc bào chế từ thảo dược. Chẳng hạn, theo ông, phương thuốc chữa viêm thận là một hỗn hợp củ cà rốt dại, cây bạc hà lục, quả bách xù và mạt cưa với tỷ lệ bằng nhau. Liều dùng là mỗi ngày một panh (≈ 0,5 lít).
 
Không có gì đáng ngạc nhiên khi những bác sỹ tốt nghiệp Thomsonian đều bị coi là những kẻ bất tài khoác lác dù thời đó, bang Georgia vẫn cho phép các bác sỹ chích máu và kê những loại thuốc như thủy ngân, thuốc phiện và cao làm rộp da. Bản thân Thomson từng bị chỉ trích là tên sát nhân, phải chịu trách nhiệm trước trường hợp tử vong của một bệnh nhân.
 
Nhưng sau cái vẻ ngốc nghếch ấy, tất cả các môn đệ của Thomson đều rất giỏi về thực vật học và hóa học. Trường đại học nhỏ bé này có khoa đào tạo tương đối tốt về dược học. Và thật may mắn, Pemberton đã bị cuốn vào hướng nghiên cứu, thí nghiệm chứ không phải hướng hành nghề y.

Từ bỏ sự nghiệp làm bác sỹ, Pemberton dừng chân ở thị trấn ven sông ồn ào ở bang Georgia thuộc Columbus. Năm 1853, ông kết hôn với một cô gái 15 tuổi tên là Ann Eliza Clifford Lewist. Năm 1855, ông mở một cửa hàng bán buôn thuốc và dược liệu. Cửa hàng của ông bán các dược phẩm, dầu, tuýp thuốc màu, kính, nguyên liệu làm thuốc nhuộm, chế tạo nước hoa, vật phẩm, bàn chải, các dụng cụ phẫu thuật, lá vàng, xì gà và chất dễ cháy.

Trước cuộc nội chiến, Pemberton để lộ hai thiên hướng đặc biệt. Sở trường của ông là pha trộn chính xác các tỷ lệ trong phòng tối. Ngoài sở trường này, Pemberton còn có thói quen mượn tiền người khác mà không trả. Cả hai thiên hướng này giao hòa và hỗ trợ cho nhau.
 
Pemberton mơ ước kiếm được thật nhiều tiền từ các phát minh của mình. Ông đáng kính và có sức thuyết phục tới độ nhiều người khác cũng tham gia góp cổ phần. Ông lôi kéo thành công vợ và bố vợ là Đại tá Elbert Lewis bỏ ra một khoản tiền khoảng 10.000 đôla.

Theo lời kể của một người họ hàng, Pemberton thường miên man suy nghĩ đến một loại thực phẩm nhân tạo được chế biến dựa trên nhu cầu thiết thực của con người. Những lúc đó, Pemberton thường cười nhạo chính mình và rầu rĩ tự nhận: "Chẳng có nhà hóa học nào có thể làm nổi một món ăn pha trộn giữa sữa, trứng, thịt bò bít tết và bột ngô".

Bản tính cứng cỏi của Pemberton còn thể hiện đậm nét trong suốt cuộc nội chiến. Ông từng là trung úy trong đội quân Thập tự chinh Georgia số 3 thuộc quân đội miền Nam nhưng từ bỏ ngay lập tức vì không thích ở dưới quyền chỉ huy của người khác. Sau đó, ông tự lập và chỉ huy hai đội quân. Trong một trận đánh ở Colombus, mặc dù bị thương nhưng ông vẫn kiên định trụ lại bảo vệ một cây cầu.

Sau chiến tranh, ông lại tiếp tục công việc ở Colombus. Ông bán hạt nhục đậu và hồ tiêu cho Chính phủ. Ngoài ra, ông còn miệt mài với các thí nghiệm pha chế. Ông thường làm việc rất khuya. Đây chính là thời kỳ hoàng kim của các loại thuốc có nhãn hiệu độc quyền. Vì vậy, Pemberton ngừng bán sản phẩm của người khác và sốt sắng bắt đầu bán sản phẩm của chính mình.

Lúc này, miền Nam đang rất cần dược phẩm. Chế độ ăn uống của phần lớn người dân quá đạm bạc. Người dân nghèo vẫn sống qua ngày bằng những bữa ăn trắng gồm ba món: thịt, bột xay thô và mật đường. Do đó, số lượng người bị suy dinh dưỡng ngày càng tăng. Ở nông thôn, những đầm lầy khô cạn gây nên vô số bệnh tật. Mùa hè nóng kéo dài là nguyên nhân sinh ra đủ loại côn trùng làm hỏng thức ăn và gây bệnh giun móc cho trẻ em nghèo.
 
Nhiều hộ gia đình còn không có nổi nhà vệ sinh. Các cựu chiến binh của quân đội liên minh trở về cùng với bệnh tật và những vết thương còn đau âm ỉ. Nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn cả là nhiều người muốn tìm quên cảnh nghèo đói thê thảm đó bằng những chai nhỏ màu nâu đựng đầy rượu và thuốc phiện.

Cảnh nghèo đói cùng kiệt ấy cũng chính là lý do khiến miền Nam trở thành thị trường hấp dẫn của các loại dược phẩm. Các loại thuốc đều được quảng cáo táo bạo và giật gân. Một nhà thuốc ở Philadelphia bán thuốc Stadizer's Aurantit với giá một đôla quảng cáo trên báo chí rằng loại thuốc này có thể chữa được các bệnh về gan, mật, chứng khó tiêu, bệnh tiêu hóa, rối loạn đường ruột, táo bón, đầy hơi, ợ hơi, nóng bụng, chướng khí, sốt rét, băng huyết, cảm lạnh, sốt, tiêu chảy, kém ăn, đau đầu, hôi miệng, rối loạn kinh nguyệt, đau lưng.

Kín các trang báo là những bài viết về các sản phẩm thuốc với lời lẽ ngoa dụ. Vì vậy, nếu một người mua loại thuốc "Celebrated Voltaic Belt with Electric Suspensory Appliances dành cho thanh niên có triệu chứng lo lắng, bồn chồn" thì anh ta có thể mua bất kỳ loại thuốc nào.

Nhận thấy đây chính là thời cơ lớn, Pemberton muốn bắt tay thực hiện dự định ngay. Song, cái ông thiếu lúc này chính là vốn. Vì vậy, ông lên đường tới Atlanta tìm kiếm nhà đầu tư. Năm 1870, Pemberton cùng vợ và cậu con trai Charles tham gia lực lượng 21.789 người nỗ lực, chung sức xây dựng lại Atlanta.

Thành phố Atlanta thành lập vào năm 1837 để làm ga đầu mối của công ty đường sắt Western and Atlantic Railroad. Nhưng đến năm 1864, nó bị phá hủy hoàn toàn khi đội quân của tướng Sherham hành quân qua. Sáu năm sau, Atlanta trở thành một thành phố đầy mâu thuẫn: Tuy là một vùng hoang sơ nhưng đầy khát vọng. Một bên là những con đường đất; một bên là thành phố đã kịp thời hoàn tất nhà hát De Give Opera nhân dịp đón diễn viên nổi tiếng Edwin Forest đến thăm và đóng vai Hamlet.

Các thành phố khác ở miền Nam phát triển đều theo mùa cấy gặt. Riêng Atlanta khi sinh ra đã là mảnh đất vang lên lách cách thanh âm của xe lửa và tốc độ phát triển nhanh chóng, gấp gáp của thương mại. Vụ mùa bội thu của Atlanta chính là tiền. Sau sự sụp đổ của nền kinh tế nông nghiệp, các cửa hàng xuất hiện ở khắp làng quê. Atlanta trở thành trung tâm tích trữ và phân phối hàng hóa. Trong thời kỳ này, dường như mọi người ở Atlanta đều là nhà buôn, người bán hàng, người môi giới...

Biểu tượng cho khát khao giàu có và danh tiếng lớn nhất của thành phố Atlanta là khách sạn Kimball House, được khánh thành rầm rộ vào ngày 17/10/1870. Hoạt động chủ yếu dựa vào tiền vay mượn, Hanibal I. Kimball, một nhà tư bản tài chính hiếu chiến đã xây khách sạn lớn nhất miền Nam trong khoảng thời gian kỷ lục là bảy tháng. Tòa nhà Kimball House sáu tầng với kiến trúc mái hai mảng và nhiều tháp trang trí là tòa nhà đầu tiên ở Atlanta có thang máy cho khách và hệ thống sưởi ấm trung tâm.

Như tờ báo Atlanta Constitution tự hào viết: "Kimball House là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự phát triển chắc chắn và vai trò thương mại quan trọng của chúng ta". Với những tấm thảm Brussels trị giá 20.000 đôla và đồ đạc làm bằng gỗ óc chó mạ vàng trong mỗi phòng khách, khách sạn Kimball House chính là lời thông báo với thế giới: Atlanta sẵn lòng mở cửa kinh doanh.

Cuối cùng, bác sỹ Pemberton cũng có mặt tại khách sạn bậc nhất này. Ở thành phố hừng hực khí thế kinh doanh này, ông tìm được một địa điểm thật đẹp để mở cửa hàng. Những năm tiếp theo, ông mở một loạt nhà thuốc bán buôn và bán lẻ. Ông cũng hợp tác với nhiều nhà đầu tư, những người đã bỏ hàng nghìn đô-la vào việc kinh doanh mặt hàng thuốc độc quyền của ông.
 
Pemberton chế ra nhiều loại thuốc rất hấp dẫn khách hàng như thuốc nhuộm tóc Indian Queen Hair (nữ hoàng Ấn Độ), Gingerine (thuốc gừng), Triplex Liver Pills (thuốc chữa bệnh gan) và thuốc bổ máu Compound Extract of Stillingia (Sự hài lòng của Nữ Hoàng) hay Queen's Delight (Hợp chất chiết xuất từ Stillingia). Loại thuốc mang lại ít lợi nhuận nhất của ông là thuốc chữa bệnh bạch hầu thanh quản có tên Glope Flower Cough Syrup (xi-rô trị ho).

Trong suốt thập niên 70 của thế kỷ XIX, vị thế của Pemberton dần được khẳng định. Các phòng thí nghiệm của ông được chính quyền bang Georgia chọn làm nơi kiểm tra các hóa chất dùng trong nông nghiệp. Khi bang thành lập một hội đồng kiểm tra và cấp giấy phép cho các dược sỹ, Pemberton trở thành thành viên của hội đồng. Trong cộng đồng, Pemberton trở thành một nhân vật nổi tiếng và được kính trọng. Một phóng viên đã mô tả ông là "một người tốt bụng, dễ chịu… với bộ râu nam tính và đôi mắt hiền từ".

Tuy nhiên, một số người từng hợp tác với Pemberton lại cho rằng không nên tin tưởng ông. Năm 1876, một người tên là A.I. Merrill nộp đơn kiện, buộc tội Pemberton đã bán cho ông ta quyền sản xuất xi-rô trị ho và thuốc bổ máu với giá 6.000 đôla, 400 đôla tiền mặt và hai tờ séc 1.000 đôla cho mỗi loại nhưng lại không chuyển công thức và thành phần cho Merrill mà đem bán lại cho người khác. Pemberton còn bị nhiều lần kiện khác nữa với những lời buộc tội tương tự.

Dẫu vậy, công việc kinh doanh của Pemberton trong năm 1879 phát đạt đến mức ông quyết định ngừng bán các loại thuốc khác để tập trung vào sản xuất thuốc độc quyền. Sản phẩm tiếp theo chính là thành công lớn nhất trong sự nghiệp của ông. Đó là một loại thuốc mới với những đặc tính đặc biệt giúp con người minh mẫn hơn, đem lại cảm giác căng tràn sức sống chưa bao giờ được biết đến cho cơ thể, và đó chính là Cocain.

Trong một bữa ăn trưa vào mùa hè năm 1884, khi đang ăn đào, Tổng thống thứ 18 của Mỹ, Ulysses. S. Grant bỗng thấy đau buốt như ong đốt ở cổ họng.

Mãi đến mùa thu năm đó, ông mới đi khám bác sỹ và biết được mình bị ung thư vòm họng, nhưng lúc này đã quá muộn để chạy chữa.

Ở khắp mọi nơi, người ta bàn tán về cái chết đang đến gần của Tổng thống. Dù bị vướng vào vụ xì-căng-đan gây ra thất bại trong lần tranh cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống vẫn là nhân vật được nhân dân Mỹ kính trọng bậc nhất. Báo chí ở New York đua nhau săn tin về tình hình bệnh tật của ông.

Sau nhiều tháng, Tổng thống quyết định chấp nhận sự thật. Mùa xuân, ông chuyển về sống trong một căn nhà nhỏ ở vùng núi McGregor, Adirondacks. Mỗi sáng, khi cảm thấy khỏe khoắn, ông mặc quần áo dài, đội mũ, đi dép lê ra ngồi ở hiên nhà, trên một chiếc ghế mây. Hàng đoàn người xếp hàng đến thăm bày tỏ lòng kính trọng với ông. Tổng thống đồng ý để các bác sỹ công khai tình trạng sức khỏe của mình, thậm chí còn cho phép một số phóng viên vào phòng bệnh.

Điều mà người dân Mỹ biết được về tình trạng ốm đau của Tổng thống là cơn đau đớn khủng khiếp của ông đã thuyên giảm khi dùng một loại thần dược mới là Cocacine, một số tờ báo gọi nó là Cocain vì tên gọi đó vừa hay vừa dễ gọi.

Người cung cấp Cocain cho Tổng thống là một nhà hóa học và doanh nhân sống ở Paris có tên Angelo Mariani. Nhờ vào những đặc tính kỳ diệu của lá cacao, Angelo Mariani đã gây chấn động thế giới trước khi Sigmud Freud viết thuyết UberCoca và Arthur Conan Doyle viết Sherlock Holmes với giải pháp 7%.

Trong nhiều thế kỷ, người dân Pê-ru vẫn thường nhai lá coca để tìm cảm giác phấn khích. Nhưng mãi đến giữa thế kỷ XIX, các bác sỹ châu Âu mới có thể chiết xuất thành công alkaloid và cocain. Họ cũng phát hiện chất này có thể dùng để gây mê rất hiệu quả trong các ca phẫu thuật mắt, mũi và họng.
 
Một trong những người tiên phong là bác sỹ Charles Fauvel ở Pari. Fauvel đã giới thiệu thứ thuốc gây mê này với dược sỹ Mariani. Và chính Mariani là người đầu tiên tìm cách đưa loại thần dược này ra thị trường.

Mariani thử pha trộn cocain với rất nhiều chất khác nhau, trong đó có trà và pa-tê. Cuối cùng, thử nghiệm thành công nhất của ông là pha trộn rượu và cocain thành một hợp chất mà ông gọi là Vin Mariani. Đầu những năm 1880, nhà máy gạch ngổn ngang trên phố Rue de Charles ở vùng ngoại ô Pari của Mariani trở thành một doanh nghiệp kinh doanh trên toàn thế giới.

Mariani rất thích quảng cáo sản phẩm dựa vào ảnh hưởng của những nhân vật danh tiếng. Trong nhiều năm, ông có một số lượng lớn khách hàng kiểu này: các bác sỹ của Tổng thống Grant, bác sỹ Fordy Barker, John H. Doyglas, George Shrady, Sarah Berhardt, William Mc Kinley, Thomas Edison, Pope PiusX, Emile Zola, Lilliam Reussell, Herry Irving và Hoàng đế Brazin – Don Pedro.

Tất cả đều ca ngợi Vin Mariani. Mariani đã xuất bản được 14 tập sách trích dẫn những lời ca ngợi chất Vin Mariani của hàng trăm nhà soạn nhạc, nghệ sỹ, ca sỹ, nhà văn và nhiều ngôi sao khác. Họ thật sự nhiệt tình và khen ngợi chân thành.
 
Bằng chứng thuyết phục nhất là của nhà điêu khắc người Pháp Frédéric-Auguste Bartholdi, cha đẻ của bức tượng Nữ thần Tự do. Trong thư gửi Mariani, ông thổ lộ rằng, nếu ông biết và dùng Vin Mariani sớm hơn, có lẽ bức tượng (Nữ thần Tự do) sẽ cao đến hàng trăm mét.
 
Công thức của Mariani là 1/10 hạt cocain với mỗi ounce và người dùng nên uống ba lần mỗi ngày, mỗi lần bằng một ly vang đỏ sau bữa ăn. Giả sử một cốc chứa năm ounce, vậy lượng cocain dùng mỗi ngày là một hạt rưỡi, tức 100 milligram, tương đương với lượng cocain mà mọi người thường hít dưới dạng bột trắng từ thế kỷ trước.
 
Rõ ràng, không có phương pháp khoa học nào để xác định các thành phần tạo nên một loại thần dược. Song, có thể nói chất Vin Mariani đã mở ra một phương pháp tương đối chính xác, đặc biệt là ở nồng độ chuẩn 22.

Sự phổ biến của thần dược Vin Mariani đã kéo theo nhiều sản phẩm nhái ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Ở Mỹ, Parke Davis & Company tung ra đồ uống Coca Cordial còn ở Atlanta, bác sỹ Pemberton đã cho ra đời thứ rượu coca Pháp mang tên French Wine of Coca.

Pemberton không giấu nguồn gốc sản phẩm của mình. Công thức sản xuất thứ rượu coca của ông được lấy từ cuốn French Pharmaceutical Codex và các nguồn thông tin khác. Sau đó, ông cũng thừa nhận với một phóng viên về việc đã làm theo gần như toàn bộ "công thức thuốc được ưa chuộng nhất của Pháp". Tuy nhiên, Pemberton có thay đổi đôi chút bằng cách cho thêm một lượng nhỏ chất chiết xuất từ hạt kola châu Phi.

Pemberton mở một cơ sở mới tại số 59 phố South Broard, trung tâm Atlanta, thuê một số nhân công và bắt đầu sản xuất rượu French Wine of Coca trong những chai thủy tinh flin mang đậm phong cách Anh và bán với giá một đôla mỗi chai.
 
Cuối năm 1884, rượu coca Pháp bán rất chạy. Thậm chí, Pemberton còn khẳng định đã bán được 888 chai trong một ngày thứ bảy đáng nhớ của mùa hè năm 1885. Ở tuổi 40, sau nhiều năm cố gắng, cuối cùng thành công đã nằm trong tầm tay của Pemberton.
 
Để đảm bảo thành công lớn, Pemberton cần tìm thêm nguồn vốn, đối tác và cơ sở mới. Tại địa chỉ 107 phố Marietta có một ngôi nhà cho thuê của Ed. Holland, con trai một trong những chủ nhà băng đầu tiên ở Atlanta. Ngôi nhà này hai tầng, nằm cách trung tâm náo nhiệt của Atlanta ba dãy nhà.
 
Cuối năm 1885, Pemberton chuyển tới ngôi nhà của Holland. Ông đặt văn phòng, nhà kho và cửa hàng ở tầng một. Các phòng sản xuất ở đằng sau và dưới tầng hầm. Ông cho dựng một cái phễu lớn giữa các tầng, trong đó chứa đầy cát trắng, mịn lấy từ đáy sông Chattahoochee để lọc rượu rồi chảy xuống thùng chứa kim loại.
 
 
Trong tầng hầm có một chiếc ấm đồng 40 galông dùng để nấu và pha chế dươc liệu. Dưới kho than ngoài sân sau còn có một chiếc máy đóng chai hiệu Matthews (nó trông giống như một tượng đài thu nhỏ theo phong cách thời Victoria đặt giữa bàn làm việc của công nhân).

Với cách hoạt động đặc biệt và hiệu quả như thế của nhà xưởng, Pemberton biết giờ đây ông không cần phải đi tìm đối tác mới nữa mà họ sẽ tự tìm đến với ông.

Frank Robinson và David Doe là những cư dân mới của thành phố. Năm 1985, họ đến Atlanta để thành lập một tờ báo in màu, với hy vọng phát triển ngành quảng cáo.

Robinson và Doe là bạn bè. Họ cùng sinh ra ở tiểu bang Maine, Mỹ, cùng quản lý một cửa hàng bách hóa sau nội chiến và cùng đi đến miền Tây. Sau một vài thành công nhỏ nhưng cuối cùng bị phá sản ở bang Iowa, họ lại lên đường đến miền Nam.
 
Sau một cuộc gặp gỡ, ba người Robinson, Doe và Pemberton nhanh chóng đi đến thống nhất. Pemberton sản xuất thuốc, còn Robinson và Doe chịu trách nhiệm quảng cáo và phát triển thị trường. Vụ làm ăn hứa hẹn đến nỗi Holland cũng tham gia góp vốn. Holland chuyển nhượng ngôi nhà thành cổ phần đóng góp cho công việc kinh doanh. Tháng 1/1886, Công ty Hóa chất Pemberton bắt đầu đi vào hoạt động.
 
Robinson đặt cược tất cả tài sản vào vụ làm ăn này. Cùng với Doe, ông đặt một nửa nhà in. Ngoài ra, ông còn thuyết phục anh trai mình là Charles đầu tư 6.500 đôla. Bố của họ cũng góp 500 đôla, còn hai người bạn khác góp 6.000 đôla. 

Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Công thức tuyệt mật của Coca-Cola

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét