Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Loi thoat cho nong san Viet Nam

Số lượt xem: 261
Gửi lúc 14:10' 04/02/2010

Lối thoát cho nông sản Việt Nam

Lối thoát cho nông sản Việt Nam
Các doanh nghiệp nông sản Việt ít nghĩ đến thương hiệu. Điều này khiến năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế của họ rất thấp.

Nói đến Pháp, người ta nhớ đến rượu vang Bordeaux xuất xứ từ vùng trồng nho nổi tiếng Bordeaux. Nhắc đến Brazil, người ta biết ngay đến đó là xứ sở của cà phê. Còn Thái Lan bao giờ cũng qua mặt chúng ta trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.

Việt Nam, quốc gia có lịch gắn với nghề nông và hiện có gần 80% dân số sống bằng cái cuốc, cái cày, nhưng nếu chúng ta cần đưa ra một cái tên gọi là "thương hiệu nông sản" thì thật khó khăn. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi sân chơi toàn cầu không có sự hiện diện của thương hiệu nông sản Việt. Tại sao? Câu trả lời chính là : Thương hiệu.

 

Nông sản Việt Nam, tiềm năng nhưng…

 

Việt Nam có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan. Các nhóm sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều… luôn ở nhóm dẫn đầu thế giới. Chúng ta có các nông sản được xem là đặc sản nếu biết khai thác như: chè, nhãn, bưởi, thanh long… Đây là những sản phẩm mà các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, châu Âu ưa chuộng.

Thế nhưng, các sản phẩm này chưa hề có một bảo chứng nào để người tiêu dùng tin cậy. Thậm chí, nó cũng chưa hề có thương hiệu đặc trưng mà chỉ tồn tại với tên gọi mang tính địa phương như: thanh long Bình Thuận, gạo An Giang, cà phê Buôn Mê Thuột.

Tất cả cho thấy một thực tế tồn tại khá lâu: Nông sản Việt Nam chưa thật sự có thương hiệu cho riêng mình.

Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu: Sản lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá thành và lợi nhuận thu về không đáng kể.

Người trực tiếp sản xuất không hưởng lợi từ thành quả lao động của mình.

Điều quan trọng khác: khi cần thâm nhập vào những thị trường khó tính, sản phẩm không có lợi thế cạnh tranh, do đó không kích hoạt được sản xuất.

Hơn thế, các quốc gia làm thương hiệu nông sản nổi tiếng tốt hơn sẽ hưởng lợi từ quá trình này. Họ không cần phải sản xuất nhiều, từ việc nhập nguyên liệu từ Việt Nam, đóng nhãn mác, thương hiệu vào và thu lại phần lớn lợi nhuận. Với một đất nước có nền kinh tế phục thuộc vào xuất khẩu và nông nghiệp như Việt Nam, điều này quả là nguy cơ.

 

Nông sản Việt Nam là thương hiệu theo kiểu nào?

Năm 2003, trường đại học kinh tế Tp.HCM phối hợp với công ty VietnamMarcom, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Công ty Trung Nguyên tổ chức chương trình Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam với kỳ vọng trong vòng 3 năm xây dựng thành công 30 thương hiệu nông sản. Những cái tên: bưởi năm roi Hoàng Gia, Sohafam (gạo Sông Hậu)…lần lượt ra đời.

Thực chất, đây là một nổ lực cần thiết của những người làm marketing. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua, những thương hiệu trên đi đâu về đâu không ai kiểm chứng Dường như, chương trình chỉ là những thể nghiệm của các bạn trẻ vừa tốt nghiệp khóa học của VietnamMarcom hơn là cuộc cách mạng bài bản, cần thiết cho thương hiệu Việt chấp cánh bay xa như chính cái tên mà nhiều người trong cuộc kỳ vọng.

Năm nào các cơ quan chức năng của ta của tổ chức hội thảo nông sản nhưng vấn đề chưa được giải quyết. Thương hiệu nông sản Việt Nam dậm chân tại chỗ. Chúng ta vẫn thua Thái Lan trên mặt trận lúa gạo. Chúng ta vẫn chưa hề có năng lực cạnh tranh với các thương hiệu khác trên trường quốc tế.

 

Cần chiến lược tổng thể mang tầm quốc gia

Đây là điều mà các nước có thương hiệu nông sản mạnh thường làm. Tức là, các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông Thôn cần có chính sách hỗ trợ để bảo hộ cho thương hiệu nông sản Việt Nam. Chính phủ cần xúc tiến thương mại mạnh mẽ vào thị trường lớn và khó tính như: Mỹ, châu Âu… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông sản Việt có cơ hội thâm nhập.

Một khi đã chiếm lĩnh thị trường khó tính, các thị trường còn lại sẽ không còn khó khăn nữa. Tuy nhiên, đây là điều hế sức khó khăn cho doanh nghiệp nếu không có sự trợ giúp của chính phủ.

 

Hơn thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là tổ chức cần nắm rõ nhưng yêu cầu từ thị trường, đồng thời truyền tải đầy đủ và xuyên suốt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

 

Chẳng hạn, để thanh long vào được Mỹ, cần tuân thủ quy trình sản xuất về: khí hậu, phân bón, kiểm tra,…Tất cả những yêu cầu đó điều được đưa đến doanh nghiệp đầy đủ và nhanh chóng.

Ngoài ra, Bộ cũng cần đặt ra những chuẩn bảo hộ mang tính địa phương có lợi cho doanh nghiệp Việt nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ xuất khẩu, khi các sản phẩm ngoại tràn vào thị trường Việt Nam, nếu thương hiệu Việt không thắng trên sân nhà, lấy đâu ra niềm tin để xuất ngoại?

Do vậy, những quy định bảo hộ nhằm ngăn bớt sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại, đồng thời tạo điều kiện để các thương hiệu nông sản nội địa đứng vững .

Một nhiệm vụ quan trọng khác là những chương trình quảng ba mang tầm quốc gia. Gần đây có thể kể đến chương trình lễ hội cà phê tổ chức tại Buôn Mê Thuột. Hiệu ứng của các chương trình quảng bá này giúp những doanh nghiệp nước ngoài cũng như thị trường nước ngoài hiểu được chất lượng và ghi nhớ thương hiệu nông sản Việt. Đây là bước quan trọng để doanh nghiệp đi vào các thị trường tiềm năng.

Vì thế, việc phối hợp các cơ quan truyền thông để tổ chức quảng bá thường xuyên và liên tục cho nông sản Việt là điều hết sức cần thiết. Tất cả các kênh thông tin này hướng đến cả hai thị trường: nội địa và quốc tế.

 

Chiến lược cho các doanh nghiệp Việt

 

Điều hết sức quan trọng là bản thân các doanh nghiệp cần vạch ra một chiến lược xây dựng thương hiệu toàn diện.

 

Về sản phẩm:
Cần xây dựng các quy chuẩn cho sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp nông sản Việt đều không quan tâm đến yếu tố này nhưng đây lại là "giấy thông hành" cần thiết để vào các thị trường khó tính.

Không phải ngẫu nhiên mà các sản phẩm của Nescafe đều ghi rõ thành phần và khuyến cáo công dụng trên bao bì. Đây là sự bảo đảm về tính minh bạch của quy trình sản xuất. Đồng thời, đó cũng là cơ sở tạo nên giá trị lý tính cho sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nông sản Việt cần xây dựng tiêu chuẩn để các tổ chức kiểm định thế giới công nhận như: an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, môi trường…

Ngoài ra, sản phẩm cần chú trọng khai thác yếu tố tự nhiên như: điều kiện, khí hậu, nước… Hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của các yếu tố hóa học không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Những nông sản mang đậm tính địa phương cần chứng minh rõ nguồn gốc và lợi thế. Nếu làm được điều này, tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam sẽ ngày càng cao.

 

Tên thương hiệu:
Đây là yếu tố sống còn của thương hiệu. Tên thương hiệu cần mang tính quốc tế hóa.

Chẳng hạn, thương hiệu Vinamit, xuất xứ từ một loại nông sản thông thường của Việt Nam nhưng với tên gọi như vậy, thương hiệu này sẵn sàng để hội nhập. Bạn nghĩ gì về cái tên Sầu riêng Cái Mơn? Liệu đó có phải là cái tên bất kỳ người tiêu dùng ngoại nào cũng có thể chấp nhận và ghi nhớ/

Để tạo dấu ấn với người tiêu dùng, cần xây dựng yếu tố "linh hồn" cho thương hiệu. Chẳng hạn, xưa kia, nhãn lồng Hưng Yên là đặc sản dùng để tiến vua. Tính chất lịch sử của sản phẩm này khá cao vì thế hãy khơi gợi lại truyền thống để tạo "linh hồn" cho sản phẩm.

 

Xây dựng chiến lược giá:
 Việc định giá cho một loại nông sản cần căn cứ vào mức độ đầu tư, chi phí sản xuất, quảng bá… để cuối cùng có được giá thành và tạo lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp tạo dựng được thương hiệu, việc định giá sản phẩm sẽ dựa vào giá trị chứ không chỉ dựa vào chi phí sản xuất. 

Tại sao người tiêu dùng chấp nhận trả giá cao cho một ly cà phê Trung Nguyên và sẽ "tẩy chay" nếu cà phê vỉa hè, không tên tuổi cũng có mức giá tương tự? Tất cả những khác biệt trên có được khi người tiêu dùng chấp nhận trả tiền cho thương hiệu họ tín nhiệm. Do vậy, việc định giá một loại nông sản cần căn cứ vào những giá trị lý tính và cảm tính mà thương hiệu mang lại cho người tiêu dùng.

 

Chiến lược phân phối:
Việc phân phối sản phẩm rất cần sự trợ giúp của chính phủ. Các thương hiệu nông sản Việt cần có những cầu nối tích cực để xuất khẩu. Đồng thời, trước khi xuất khẩu cần khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường nội địa. Trung Nguyên là một ví dụ thành công cho phương thức này.

Năm 1999 – 2000, trong khi hầu hết các công ty nông sản khác chưa có khái niệm xây dựng thương hiệu, Trung Nguyên đã chớp thời cơ. Sức ảnh hưởng của họ lan tỏa đến độ không ngờ tại thị trường Việt Nam. Những quán cà phê Trung Nguyên mọc lên như nấm. Đó là cơ sở để thương hiệu Trung Nguyên tiến sang các thị trường khác như Nhật, Singapore

Chiến lược truyền thông: Đây là yếu tố cần thiết sau cùng để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Chương trình truyền thông không chỉ kích hoạt tiêu dùng mà còn đưa thương hiệu phủ sóng đến nhiều thị trường khác nhau.

Vì thế, doanh nghiệp không chỉ chú trọng đến những kênh thông tin truyền thống mà cần những chương trình mang tầm quốc gia.

Chẳng hạn, thương hiệu nông sản có thể kết hợp với công ty du lịch tổ chức tour du lịch sinh thái. Việc du khách được tham quan, thưởng thức nông sản tại vườn là một cách truyền thông cho thương hiệu.

 

Thay lời kết

Khi chúng ta có những thương hiệu nông sản mạnh nghĩa là có cơ sở để phát triển kinh tế. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề này trở nên cấp thiết.

Cạnh tranh là cần thiết, nhưng cạnh tranh như thế nào để các thành phần tham gia kinh doanh được lợi lại là chuyện khác. Câu chuyện thanh long vào thị trường Mỹ làm chúng ta phải suy nghĩ. Đối tác chưa kịp đàm phán,chính những nhà xuất khẩu Việt Nam đã giẫm đạp giá lên nhau để đạt được hợp đồng. Hệ lụy là nhà nhập khẩu được lợi còn những người nông dân và bản thân nhà xuất khẩu mất rấ nhiều.


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Lối thoát cho nông sản Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét