Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Thuong hieu - duoi goc nhin mot con nguoi

Số lượt xem: 533
Gửi lúc 22:14' 01/08/2009

Thương hiệu - dưới góc nhìn một con người

Hầu hết người tiêu dùng khi nghĩ đến sữa ANLENE là nghĩ ngay đến một bà già với lưng còng và xương kêu rắc rắc hay nghĩ đến PEPSI là nghĩ tới những thanh niên hiện đại, rất hợp thời trang và không bao giờ lỗi mốt, Nokia là điện thoại thời trang, Clear là dầu gội đầu trị gầu. Vậy bằng cách nào các công ty có thể tạo ra được sự liên tưởng đó.

Sau nhiều năm làm việc và nghiên cứu thương hiệu, tôi mong muốn được chia sẻ với các bạn một cách nhìn gần gũi hơn về một thương hiệu- dưới góc độ một con người. Hãy tưởng tượng thương hiệu như một đứa con của bạn, xây dựng thương hiệu như nuôi nấng đứa con yêu của bạn từ lúc lọt long. Tính cách của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giá trị văn hoá của gia đình mà nó sinh ra. Cũng như vậy, một thương hiệu là sự thể hiện văn hoá của một công ty.

Tôi- một giám đốc nhãn hiệu cấp cao làm việc cho các công ty đa quốc gia đã được bảy năm. Tôi mới có một con gái đầu lòng mới 6 tháng tuổi. Thật khó có thể nói rằng quản lý thương hiệu và nuôi con là hai công việc gần giống với nhau nhưng dưới một góc độ nào đó thì chúng có rất nhiều điểm chung. Đối với mỗi giám đốc nhãn hiệu, thương hiệu mà họ quản lý cũng chính là đứa con tinh thần của họ. Họ cảm thấy lo lắng, xót xa khi thị phần bị giảm sút, nhận biết nhãn hiệu bị giảm đi. Điều này cũng giống như tâm trạng của các bậc cha mẹ khi con mình bị nóng đầu hay cảm sốt. Do vậy, các công ty đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam hãy nhìn thương hiệu một cách gần gũi hơn: góc độ một con người.

Đặt tên cho con

Như mỗi bậc cha mẹ khác, chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm cho con gái tôi một các tên thật hay. Chúng tôi mua rất nhiều sách hướng dẫn đặt tên cũng như tham khảo từ rất nhiều người. Một các tên hay phải có ý nghĩa tốt đẹp, ẩn chứa niềm mong muốn của cha mẹ về đứa con sau này. Tôi đặt tên con là Song Anh, một cái tên không dấu và nhất quán dù được đọc bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Việt. Nó cũng ẩn chứa mong muốn của chúng tôi là con gái sẽ được bình an và hạnh phúc trong cuộc đời. Làm việc nhiều năm với người nước ngoài, tôi vẫn không thể không bật cười khi họ gọi tên nhân viên, nào Quỳnh, Quyên, Truyền hay Nguyên đối với họ thật sự là khó khăn vì không thể phát âm đúng được. Hi vọng con gái sẽ cảm ơn chúng tôi về cái tên xinh đẹp đó.

Đặt tên cho thương hiệu cũng vậy, một thương hiệu tốt phải dễ đọc, dễ nhớ cũng như thể hiện được mong muốn của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chỉ định bán hàng trong nội địa thì một cái tên thuần túy Việt Nam như Trung Nguyên, Bình Tiên thì hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhưng nếu trong dài hạn, doanh nghiệp muốn phát triển thương hiệu của mình hướng đến thị trường thế giới thì những tên đó nhiều khi không phải là lợi thế do mất đi sự thống nhất khi được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau đồng thời rất khó đọc và phát âm.

Những tên thương hiệu tốt thường phải dễ đọc và dễ nhớ, riêng biệt và có tính quốc tế, nó có thể dễ dàng được đọc lên ở bất cứ ngôn ngữ nào. Các thương hiệu của Nhật Bản đi đầu trong việc đặt tên với các nhãn hiệu hàng đầu như Sony, Toshiba, Hitachi, Canon. Một tên tốt thường không quá 3 âm tiết thường gồm một nguyên âm sau mỗi phụ âm.

Tính cách của con

Tính cách của con trẻ được hình thành phụ thuộc nhiều vào môi trường văn hóa xung quanh đặc biệt là văn hóa gia đình và tính cách của người cha. Nhãn hiệu cũng vậy, nó có một tính cách riêng biệt, cá tính riêng biệt để không bao giờ bị mờ nhạt trước các thương hiệu khác. Cá tính này càng rõ ràng, càng nhất quán thì càng dễ gần gũi với người dùng và đương nhiên sẽ bán được nhiều hơn. Một nhãn hiệu mạnh luôn chứng tỏ mình là ai, mình có tính cách gì, có điểm khác biệt gì, dành cho ai và mang lại lợi ích gì cho người đó.

Ảnh hưởng của người giám đốc nhãn hiệu tới nhãn hiệu đó cũng gần giống như ảnh hưởng của người cha tới tính cách của đứa trẻ. Người giám đốc phải có những hành động đúng mực để giữ cho thương hiệu luôn mới mẻ và gần gũi với khách hàng mục tiêu. Do điều kiện thị trường, tình hình cạnh tranh và tâm lý người tiêu dùng luôn thay đổi nên nhà quản lý nhãn hiệu phải luôn cập nhật các thông tin này để có các quyết định đúng đắn. Một người cha thông minh, có kỷ luật, có tính sáng tạo, luôn luôn đổi mới sẽ là những ảnh hưởng rất tốt đối với cá tính của đứa trẻ sau này, nhãn hiệu cũng vậy.

Sự phát triển của con   

"Hãy tập đi trước khi tập chạy" là lời một thầy giáo của tôi, Giáo sư Trương Quang, khi  nói về việc xây dựng thương hiệu. Mọi sự đều phát triển theo quá trình tiến hóa, nhãn hiệu cũng vậy, cần phải có những bước cơ bản trước khi có thể lớn mạnh.

Không thể nói một đứa trẻ "đã biết đi" khi nó chưa thể tự ngồi một mình được. Trong khi đó, nhiều nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam cứ tự quảng cáo rùm beng rằng "chúng tôi là thương hiệu hàng đầu" trong khi không có bất kỳ điều gì thuyết phục người nghe rằng họ là thương hiệu hàng đầu. Một thông điệp quan trọng là không nên nói quá về những gì mình có thể làm được vì điều này sẽ làm mất lòng tin ở người khác và lòng tin khi đã mất thì thật khó lấy lại. Khi khách hàng đã không tin dùng một nhãn hiệu nào đó, hầu như không thể thuyết phục được họ quay lại với thương hiệu đó.

Không có cái gì lớn mà không bắt đầu từ nhỏ. Hãy xây dựng nhãn hiệu của mình một cách cẩn trọng và không vội vã. Một đứa trẻ cũng cần có thời gian để phát triển, hãy để thời gian hợp lý để người tiêu dùng có thể hiểu và gần gũi với nhãn hiệu của bạn hơn. Đừng nên thổi phồng hay phóng đại về những lợi ích sẽ mang lại cho người dùng vì như vậy bạn đang dần đánh mất lòng tin vào thương hiệu của mình.

Dạy dỗ và kỷ luật giúp cho đứa trẻ phát triển theo chiều hướng tốt. Hãy tạo ra hệ thống quản lý nhãn hiệu mang tính kỷ luật cao, đào tạo nhân viên và các đối tác để mỗi người có thể trở thành một sứ giả của nhãn hiệu. Mọi sự vô kỷ luật cho dù có mang lại lợi ích trong ngắn hạn nhiều khi sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trong tương lai.

Xây dựng và quản lý một nhãn hiệu cũng như sinh ra và nuôi dưỡng đứa con yêu của bạn. Hãy dành cho nhãn hiệu của mình những gì tốt nhất có thể, nuôi dưỡng, dạy dỗ để phát triển bền vững trong dài hạn.

Nguyễn Trọng Tấn – Công ty thương hiệu LANTA, www.lantabrand.com 


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Thương hiệu - dưới góc nhìn một con người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét